Đánh giá game Assassin’s Creed Valhalla: Sự trở lại của hội sát thủ
Nếu các bạn đã từng chơi qua nhiều tựa game hành động lén lút, thì Assassin’s Creed không phải là một cái tên quá xa lạ. Tựa game sát thủ được phát triển bởi Ubisoft luôn được cộng đồng game thủ dành nhiều lời khen ngợi cho sự mới lạ trong gameplay và bối cảnh. Và sau 2 năm vắng bóng, dòng game đình đám này đã quay trở lại với phần mới nhất trong series - Assassin’s Creed: Valhalla. Vậy tựa game này có những gì thay đổi so với người tiền nhiệm của mình? Liệu đây có phải là tựa game Assassin’s Creed hay nhất của Ubisoft?
Cốt truyện
Assassin’s Creed: Valhalla đưa người chơi vào thời điểm cuộc xâm lược của người Viking vào nước Anh những năm 873 sau công nguyên. Cốt truyện sẽ theo chân Eivor, một chiến binh Viking dũng mãnh. Bộ tộc của anh bị sát hại trong một cuộc tấn công bất ngờ từ kẻ địch và chỉ có Eivor và người anh trai Sigurd là sống sót. Mang trong mình mối thù hận sâu sắc, hai chiến binh Viking dũng mãnh bắt đầu cuộc phiêu lưu đến Anh quốc, trả thù cho bộ tộc của mình và xây dựng một đế chế mới. Nhìn một cách tổng quan thì khởi đầu Assassin’s Creed: Valhalla vẫn theo mô típ nhân vật chính trả thù cho gia đình mình khá quen thuộc được Ubisoft sử dụng trong các phần trước.
Nhân vật phản diện của phần này là vua Alfred Đại Đế và hiệp hội Templar - kẻ thù chính của hội sát thủ trong các phần trước, do chính ông đứng đầu. Đây cũng không phải là một điều quá khó hiểu vì theo lịch sử của nước Anh, Alfred Đại đế chính là người đã đẩy lùi các cuộc xâm lược của các chiến binh Viking. Nhưng ông không phải là một kẻ xấu như các kẻ thù khác mà sẽ có những tình tiết khá phức tạp trong cốt truyện để giải thích về vấn đề này. Mình sẽ không spoil ở đây mà để cho các bạn tự khám phá.
Gameplay
Assassin’s Creed: Valhalla sẽ giữ nguyên phong cách hành động nhập vai đã mang lại thành công cho hai người tiền nhiệm của mình là Assassin’s Creed: Origin và Assassin’s Creed: Odyssey. Hệ thống chiến đấu trong Valhalla sẽ dựa theo Odyssey với nhiều sự thay đổi. Đa phần bạn sẽ đánh nhau nhiều hơn là lén lút ám sát từng mục tiêu để phù hợp phong cách các chiến binh Viking. Nhân vật của bạn sẽ có 2 đòn tấn công mạnh và nhẹ, và đòn đánh mạnh sẽ giúp bạn đánh bật khiên của kẻ thù. Valhalla cũng giới thiệu lại hệ thống gọi hội giúp đỡ trong các trận chiến, bạn có thể một mình chấp hết hoặc gọi đồng bọn và biến nơi đó thành một bãi chiến trường thật sự.
Eivor có thể học các kỹ năng mỗi khi lên cấp và sử dụng chúng trong chiến đấu. Ngoài ra, sẽ có một số kỹ năng ẩn mà bạn chỉ có thể học được thông qua việc tìm Book of Knowledge rải rác khắp bản đồ. Bạn có thể trang bị tối đa 8 kỹ năng (bao gồm 4 cận chiến và 4 tầm xa), hỗ trợ trong việc chiến đấu. Các kỹ năng này tuy rất mạnh nhưng không nên spam chúng liên tục vì bạn không thể cắt ngang kỹ năng khi đang thi triển, và số lần sử dụng cũng bị giới hạn bởi thanh năng lượng kỹ năng.
Assassin’s Creed: Valhalla cũng giới thiệu một tính năng mới là thanh thể lực ( hay stamina bar), nghe thì có vẻ như Dark souls nhưng nó hoạt động hoàn toàn khác. Thanh thể lực sẽ bị tụt xuống khi bạn sử dụng né, đòn tấn công mạnh hay đánh hụt mục tiêu. Và khi Eivor cạn kiệt thể lực, anh ta sẽ không thể né được hoặc dùng khiên để đỡ các đòn tấn công, rất nguy hiểm nếu như bạn đang đánh nhau với boss. Đây là một tính năng khá hay, nó khiến bạn phải quản lý tài nguyên một cách hiệu quả, thay vì cứ spam tấn công liên tục như trong Odyssey. Thanh thể lực cũng tự hồi sau một thời gian nếu bạn không tấn công, hoặc sử dụng các đòn tấn công nhẹ trúng đích sẽ hồi lại một lượng nhất định.
Hệ thống hồi máu cũng được thay đổi. Giờ đây thanh máu của bạn sẽ không tự động hồi một cách kỳ diệu nữa, mà bạn phải kiếm các loại thức ăn như trái cây hay thịt để hồi máu. Bạn cũng có thể dự trữ các thức ăn để dùng sau, và số lượng dự trữ cũng tăng lên nếu bạn nâng cấp túi đồ (hay được gọi là Ration) của Eivor.
Phần ám sát lén lút cũng được Ubisoft khắc phục các điểm sạn so với người tiền nhiệm. Bạn giờ có thể ám sát bất cứ mục tiêu nào dù cho có chênh lệch cấp bao nhiêu, thay vì găm nguyên con dao vào đầu tên lính canh mà hắn vẫn tỉnh như không có gì sau đó.
Assassin’s Creed: Valhalla sẽ cho phép người chơi lựa chọn giới tính nhân vật. Nhưng thay vì cố định trong suốt quá trình chơi game, bạn có thể thay đổi được giới tính bất kỳ lúc nào. Bạn có thể chọn nam, nữ hoặc để game tự chọn cho bạn dựa trên chỉ số nhân vật. Và tính năng này sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến cốt truyện ngoại trừ các đoạn cutscene.
Đồ họa và âm thanh
Đồ họa Assassin’s Creed: Valhalla được Ubisoft đầu tư khá tốt. Bạn sẽ cảm nhận được nước Anh ở thời kỳ đen tối của nó. Các ngôi làng hay thành phố cũng được thiết kế khá sinh động ở vẻ bên ngoài song song với các ngôi nhà nhỏ tồi tàn và những người dân bị thương do chịu ảnh hưởng bởi các cuộc chiến ở vùng lân cận. Tất cả đều được Ubisoft khắc họa rất chân thực.
Phần âm thanh được thiết kế rất tốt. Khi bạn đang trong một cuộc tấn công hay một trận tàu chiến, thì sẽ có các bản nhạc bắt đầu nổi lên để tăng thêm kịch tính. Khi di chuyển trên chiếc thuyền của bạn thì đôi khi các thành viên trên đó cũng sẽ hát các bài hát khá hay, giúp cho việc di chuyển giữa các khu vực cũng trở nên bớt nhàm chán.
Điểm trừ
Mặc dù có nhiều cải tiến hơn so với các người tiền nhiệm, nhưng Assassin’s Creed: Valhalla cũng có những điểm trừ.
A.I kẻ địch nhiều lúc rất khó hiểu
Đây gần như là vấn đề muôn thuở trong các tựa game của Ubisoft, và Valhalla cũng không ngoại lệ. Các A.I này hoạt động nhiều lúc rất ngẫu nhiên hoặc có khi hoàn toàn bị bug. Như việc bạn ám sát một tên lính có đồng bọn đi song song, thì gã kia hoàn toàn không phản ứng gì hết mà vẫn lẳng lặng đi tiếp. Hay là khi bạn bắt đầu đánh một tên trùm , thì gã đó có thể tự dưng quay mặt ra sau và đánh vào tường.
Một vài cử động của nhân vật thiết kế thiếu chi tiết
Một vài animation tấn công của Eivor khá thiếu uy lực, và dáng chạy của anh chàng Viking nhiều khi cũng khá gượng. Nhưng đây cũng không phải là một vấn đề quá lớn và Ubisoft có thể tung ra bản patch để chỉnh lại.
Các khu vực trong game thiếu phong phú
Đa phần khi bạn di chuyển khắp bản đồ, thì bạn chủ yếu sẽ thấy các khu rừng và núi là nhiều, khiến cho việc khám phá sẽ thiếu đi tính phong phú.
Khuôn mặt một vài NPC thiết kế khá xấu
Việc tạo ra tựa game thế giới mở rộng lớn, đồng nghĩa với việc Ubisoft cần phải thiết kế nhiều NPC để cho game có sức sống hơn. Kết quả là một vài NPC có khuôn mặt và biểu cảm thiết kế khá xấu.
Một số bug nhỏ vẫn xảy ra
Đây cũng là một vấn đề không quá xa lạ với hầu hết các tựa game hiện nay. Assassin’s Creed Valhalla cũng có một vài bug nhỏ như Eivor có thể đi xuyên tường, hay chiếc thuyền của anh nhiều lúc bay lên trời và đáp xuống nước chẳng hạn.
Tổng kết
Dù vẫn còn một vài điểm trừ, nhưng Assassin’s Creed: Valhalla vẫn là một tựa game đáng chơi. Nếu bạn ưa thích những tựa game thế giới mở thì bạn sẽ cảm giác rất thích thú khi chơi Valhalla. Sự thay đổi về mặt gameplay cũng làm cho tựa game trở nên thách thức hơn nhưng cũng không quá khó cho những ai mới bắt đầu chơi dòng game này.
Haloshop hiện đã có hàng Assassin’s Creed: Valhalla dành cho PS4.