Lịch Sử Phát Triển Đầy Thăng Trầm Của CAPCOM
CAPCOM được thành lập vào ngày 11/6/1983 bởi Kenzo Tsujimoto tại đất nước Nhật Bản. Là một ông lớn trong ngành phát triển và phát hành game, CAPCOM đã cho ra đời những tựa game rất thành công như Street Fighter, Mega Man, Resident Evil hay là Devil May Cry, Monster Hunter. Chắc có lẽ là chúng ta đã không còn xa lạ với những tựa game đình đám ấy, chính là một phần tuổi thơ của chúng ta.
Dù sở hữu nhiều "game át chủ bài" nhưng CAPCOM lại có những cột mốc lịch sử thăng trầm trong quá trình phát triển, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem liệu ông lớn CAPCOM đã trải qua những gì để có được thành công vang dội như hôm nay!
Tên thương hiệu CAPCOM là tên được cắt từ chữ “Capsule Computer”, đây là một thuật ngữ mà công ty đã đưa ra để mô tả các máy game thùng được sản xuất trong những năm đầu tiên. Trong đó thì từ Capsule ám chỉ cách mà CAPCOM so sánh phần mềm trò chơi của mình với "một viên nang gói trọn niềm vui chơi game", đây cũng được xem như là mong muốn bảo vệ tài sản trí tuệ của công ty với một lớp vỏ ngoài cứng cáp, ngăn chặn các bản sao bất hợp pháp và bắt chước kém chất lượng đến tay người dùng.
Chỉ sau 1 tháng thành lập, vào tháng 7 năm 1983, CAPCOM ra mắt sản phẩm có tên Little League, là trò chơi bỏ xu trên dạng máy game thùng hay còn gọi là Arcade. Tựa game "1942", một tựa game bắn súng được đưa lên hệ máy NES của Nintendo cũng nối tiếp ra mắt vào tháng 12 năm 1985. Đây cũng được xem là một dấu mốc quan trọng của CAPCOM đối với các tựa game trên hệ máy console.
Việc cam kết của CAPCOM đối với Super Nintendo Entertainment System khiến CAPCOM bị tụt hậu so với các nhà phát hành khác trong việc phát triển các game 3D. Đây là một bước đi may rủi, thế nhưng đồ họa 2D theo phong cách phim hoạt hình trong game Darkstalkers: The Night Warriors và X-Men: Children of the Atom vẫn được ưa chuộng, dẫn đến việc điều này như một phong cách làm game độc quyền của CAPCOM và đươc áp dụng trong nhiều game khác nữa. CAPCOM đã được ghi nhận là nhà phát hành lớn cuối cùng cam kết chỉ phát hành game đồ hoạ 2D, mặc dù đây không hoàn toàn là lựa chọn của họ thế nhưng họ vẫn tạo nên những tựa game 2D đình đám và rất được ưa chuộng.
Thời kỳ huy hoàng nhất của Capcom năm 1987, sau khi công ty cho ra đời dòng game đối kháng Street Fighter. Street Fighter phổ biến khắp toàn cầu và tiêu thụ được một con số khổng lồ lên đến 30 triệu bản. 1987 cũng đồng thời là năm Megaman xuất xưởng - dòng game này cũng đã bán được hơn 30 triệu bản nâng tầm thương hiệu CAPCOM trở thành những ông lớn ngành sản xuất game.
Dòng game nhập vai đáng nhớ Breath of Fire cũng ra đời phiên bản đầu tiên năm 1993 và cũng được coi là một cú hit lớn cho dòng máy chơi game cầm tay. CAPCOM cũng tiến bước vào con đường game kinh dị sống còn khi cho ra mắt Resident Evil vào năm 1996. Loạt game đạt thành công về tài chính, bán được gần 50 triệu bản, mở đầu cho chuỗi series game ăn tiền sau này. Vào năm 2000, Capcom cho ra một ý tưởng mới lạ mà rất nhiều hãng làm game sau này phải học tập theo: Đó là kết hợp những nhân vật từ nhiều game của nhiều hãng phát triển khác nhau để đưa vào một tựa game đối kháng duy nhất. Ý tưởng này dẫn đến sự ra mắt của Marvel vs. Capcom: Clash of Super Heroes và Capcom vs. SNK: Millennium Fight 2000 mà một trong số chúng sau này trở thành con át chủ bài của hãng.
Thừa thắng xông lên, CAPCOM tiếp tục trình làng dòng Onimusha nhưng không may mắn như Devil May Cry, tuy thành công nhưng dòng game này lại phải dừng chân khá sớm. Đây cũng là năm Capcom quyết định tiến sâu vào lĩnh vực game cầm tay, hàng loạt các “con cưng” của hãng đã xuất hiện trên Gameboy như Breath of Fire 2, Megaman Battle Network 2, Megaman Zero, Resident Evil Gaiden, Shantae, Street Fighter Alpha 3, Super Ghouls ‘N’ Ghosts, Chaos Legion.
CAPCOM còn chăm chỉ làm phim live-action dựa trên những loạt game nổi tiếng của hãng. Năm 1994, Capcom đã biến loạt game song đấu Street Fighter thành một bộ phim cùng tên với sự góp mặt của ngôi sao phim hành động Jean-Claude Van Damme. Trong khi bộ phim khá thành công về mặt thương mại, thu về gần 100 triệu đô la Mỹ, nhưng lại bị phê phán khá gay gắt. Năm 2002 loạt phim dựa theo loạt Resident Evil cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích tương tự nhưng vẫn rất thành công về mặt doanh thu tại các rạp, loạt mở rộng ra tổng cộng 6 phần phim và thu về hơn 1 tỷ đô la Mỹ.
Công ty luôn bị phàn nàn vì các quyết định kinh doanh khác, đa phần là do tính cách truyền thống bảo thủ của hãng, như không chịu phát hành một số game bên ngoài Nhật Bản, không phát hành một số game nhất định ở thị trường phương Tây, đột ngột hủy bỏ dự án (đáng chú ý nhất là Mega Man Legends 3). Vào ngày 27 tháng 8 năm 2014, CAPCOM đã đệ đơn kiện Koei Tecmo Games vi phạm bằng sáng chế tại Tòa án quận Osaka với mức bồi thường lên đến 980 triệu yên. CAPCOM tuyên bố Koei Tecmo Games vi phạm bằng sáng chế trong năm 2002 liên quan đến một tính năng trong video game và thu về cho mình 1.3 triệu đô.
Trải qua 3 thập kỉ phát triển cùng những thăng trầm và sóng gió, nhà sản xuất game Nhật Bản này vẫn luôn đứng vững và tiếp tục chinh phục con tim của hàng triệu game thủ trên thế giới với những sản phẩm độc đáo của họ. Vậy thì chúng ta hãy cùng chờ đón xem sản phẩm tiếp theo của Capcom sẽ cho chúng ta những bất ngờ gì nhé.