Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten có sự gắn kết nội dung với những tựa game nói trên với cốt truyện liên quan rất mật thiết. Nếu bỏ qua lời khuyên này, bạn khó lòng có được trải nghiệm hào hứng với lượng lore đồ sộ của game.

Không những thế, nhiều sự kiện trong trải nghiệm cũng liên quan đến các sự kiện trong những phần chơi khác của series Utawarerumono, chẳng hạn lai lịch và quê quán của nhân vật Mikado. Hay như cụm từ ‘chii’ không hiếm lần được đề cập trong trải nghiệm mà không thể hiểu rõ nếu bạn chưa chơi qua hai bản Mask của dòng game này. Thậm chí, một phân đoạn ở gần cuối trải nghiệm còn có sự xuất hiện của một loạt nhân vật mà bạn không thể biết nếu chưa chơi các bản game trước đó.

​Chưa kể, sự xuất hiện của nhân vật mới Shunya có thể khiến người chơi mới cảm thấy rối tung. Đặc biệt nếu là người yêu thích series Utawarerumono, bạn hẳn cũng biết cái kết lưng chừng là một trong những yếu tố đặc trưng gây không ít ức chế cho người chơi, không khi nào để lại cảm giác thỏa mãn. Kịch bản tương tự cũng được nhà phát triển Aquaplus chấp bút cho Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten và chắc chắn là vấn đề không hề nhỏ với người chơi mới.

Mặc dù vậy, cốt truyện vẫn tiếp tục là điểm cộng sáng nhất của Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten. Sự xuất hiện của những nhân vật cũ và mới được xây dựng hấp dẫn thông qua yếu tố visual novel quen thuộc của series này. Điều đó cũng đồng nghĩa người chơi phải dành khá nhiều thời gian và một chút kiên nhẫn chỉ để đọc chữ xuất hiện dày đặc trong trải nghiệm game. Hệ thống chiến đấu cũng có nhiều khác biệt các phần chơi cũ hơn khi chuyển sang nhập vai theo lượt.

Điểm nhấn của hệ thống chiến đấu trong Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten là Battle Ring gồm những vòng to nhỏ khác nhau. Thông qua các hành động cụ thể trong trận chiến, party của người chơi và kẻ thù có thể dịch chuyển từ vòng tròn lớn sang vòng tròn nhỏ nói trên và ngược lại. Vòng tròn càng nhỏ thì yêu cầu thời gian cooldown giữa những lượt tấn công ngắn hơn, đồng nghĩa nhân vật có thể ra tay nhanh hơn và nhận về lợi thế hơn trong trận chiến.

Vấn đề ở chỗ theo mô tả thì ý tưởng này rất hấp dẫn, nhưng thực tế không dễ triển khai trong trải nghiệm chiến đấu. Nói tôi dốt thì tôi chịu chứ việc lên kế hoạch để đẩy nhân vật vào vòng tròn nhỏ để tăng lợi thế kỳ thực không hề đơn giản. Một phần do giao diện của Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten không có những dấu báo cần thiết để người chơi dễ dàng toan tính “di dời” nhân vật vào vòng tròn nhỏ nhiều lợi thế, khiến việc này giống như nhiệm vụ bất khả thi vậy.

Bên cạnh đó trong nhiều trường hợp, người viết cũng cảm thấy khó khăn trong việc xác định nhân vật nào trên Battle Ring sẽ tấn công trước. Đó là vì giao diện của trò chơi được thiết kế thường vô tình khiến biểu tượng đại diện cho nhân vật điều khiển và kẻ thù bị chồng chéo lẫn nhau. Những vấn đề nhỏ trong thiết kế này lại gây hệ quả không hề nhỏ, biến trải nghiệm chiến đấu trong Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten kéo dài một cách mệt mỏi và gây ức chế không cần thiết.

Nhịp độ của trò chơi cũng có chút vấn đề ở nửa đầu và nửa sau trải nghiệm. Cụ thể, nửa đầu Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten có nhịp độ khá ổn định không chỉ câu chuyện kể mà cả khía cạnh khám phá và chiến đấu. Trong khi đó từ nửa sau trải nghiệm lại dần trở nên lề mề và thiếu sự chăm chút tương xứng với trước. Khám phá và chiến đấu trong các hầm ngục ở thời điểm này không chỉ kém hào hứng mà ngay cả câu chuyện kể cũng trở nên thiếu liền mạch.

Cảm giác thiếu chăm chút cũng dễ dàng nhận thấy với khía cạnh khám phá trong trải nghiệm game. Về cơ bản, người chơi điều khiển nhân vật đi lang thang khắp thế giới trong game, trò chuyện với các NPC và thu thập vật phẩm từ môi trường màn chơi hoặc chiến đấu như các RPG truyền thống. Thế nhưng do thế giới quá rộng cộng với lời thoại chỉ dẫn thiếu rõ ràng, việc phải chạy xuôi chạy ngược giữa những cung đường quanh co được thiết kế có chủ ý đã làm nhịp độ game chậm đi nhiều.

Khía cạnh nghe nhìn trong Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten cũng để lại cho người viết cảm xúc khá trái chiều. Trong khi nhạc nền gây ấn tượng khi phong phú cả số lượng lẫn chất lượng, khâu lồng tiếng lại không được như vậy khi chỉ một số câu thoại được lồng tiếng. Đồ họa cũng thế, nhìn khá cũ kỹ với chất lượng không cao từ hình dựng nhân vật cho tới xây dựng thé giới. Tạo hình NPC nghèo nàn. Bù lại, sprite và hình artwork cực đẹp và không hề thiếu yếu tố hài hước.

Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten mang đến một trải nghiệm nhập vai khá hào hứng, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào “khẩu vị” của mỗi người. Nếu bạn quan tâm nhiều đến lore và cốt truyện thì đây là cái tên cực kỳ đáng chào đón trong thư viện game. Thế nhưng nếu chỉ quan tâm đến khía cạnh trải nghiệm nhập vai thuần túy, bạn có thể cần cân nhắc trước khi quyết định móc hầu bao cho trò chơi. Monochrome Mobius: Rights and Wrongs Forgotten hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5 và PlayStation 4.