Như vậy đã được 1 năm kể từ ngày Mortal Kombat 11 ra mắt. Đương nhiên trong quá trình phát triển qua 11 phần game chính, Mortal Kombat cũng có lúc gặp phải những khó khăn và thách thức đến từ nhiều phía, nhưng không thể phủ nhận 1 điều, Mortal Kombat xứng đáng là tượng đài của dòng game đối kháng.

Tựa Game Đối Kháng Đầu Tiên

Tựa game đối kháng đầu tiên xuất hiện trên thế giới là Heavyweight Champ sản xuất năm 1976. Qua gameplay chúng ta có thể thấy, Heavyweight Champ có lối chơi rất khác so với những tựa game cùng thể loại sau này: Game đối kháng nhưng lại sử dụng camera góc nhìn thứ 3. Về sau, các tựa game đối kháng thường sử dụng góc nhìn ngang, góc nhìn thứ 3 vẫn được vài game áp dụng nhưng số lượng không nhiều. Những tựa game đối kháng có đặc điểm chung là cho người chơi lựa chọn một trong số những nhân vật có sẵn, bằng mọi cách đánh bại đối phương, kiểu chơi không quá rườm rà, không bắt chúng ta giải đố, tìm đường, chỉ cần biết đánh và đánh.

Mortal Kombat

Các tựa game đối kháng nổi tiếng phải kể đến như Street Fighter, King Of Fighter, Samurai Showdown, Super Smash Bros. và, KHÔNG THỂ KHÔNG NHẮC ĐẾN MORTAL KOMBAT!

Mortal Kombat???

Mortal Kombat, được các fan Việt gọi với cái tên Rồng Đen, lần đầu tiên ra mắt vào ngày 8 tháng 10 năm 1992 trên nhiều hệ máy khác nhau, nhưng đầu tiên nhất và cũng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất vào lúc đó là trên các máy Arcade, máy điện tử thùng bỏ xu để chơi. Dưới sự phát triển của thương hiệu MIDWAY cùng bộ đôi Ed Boon và John Tobias, Mortal Kombat thành công vẻ vang khi trở thành tựa game ăn khách nhất vào lúc bấy giờ. Thế nhưng, điều không may xảy ra vào năm 2008, Midway phá sản, thua lỗ đến 191 triệu đô. Nhiều người cho rằng nguyên nhân đến từ việc họ quá ỷ lại vào tựa game Mortal Kombat mà không phân bổ đều nguồn lực vào các tựa game khác. Kết quả là vào ngày 25/09/2009, thương hiệu Mortal Kombat được chuyển nhượng lại hoàn toàn cho Warner Bros, đứng sau phát triển 3 phần gần đây nhất của Rồng Đen là Mortal Kombat Reboot, Mortal Kombat X và Mortal Kombat 11.

Mortal Kombat

THẾ GIỚI, CỐT TRUYỆN VÀ NHÂN VẬT

Cốt truyện của Mortal Kombat được đặt trong một thế giới giả tưởng, bao gồm 18 realms, tạm dịch là Đa Giới, được tạo ra bởi The Elder Gods. Qua các phần game chúng ta được tiếp cận được với các Realms sau: Earth Realm là nơi sinh sống của các chiến binh người trần mắt thịt như Liu Kang, Kung Lao, Sonya Blade, Johnny Cage và Jax - Earth Realm được bảo vệ bởi thần sấm Raiden. Netherealm, nơi trú ngụ của linh hồn và quỷ dữ như Quan Chi và Noob Saibot. Outworld, nơi liên tiếp xảy ra các cuộc xung đột, ở đó, Shao Khan tự xưng mình là Hoàng đế cai trị. Ngoài ra còn có, The Realm Of Order, The Realm Of Chaos và cuối cùng là Edenia.

Mortal Kombat

Trải qua 11 phần và rất nhiều các bản spin-off nên cốt truyện của game khá lằng nhằng và cũng đây cũng không phải yếu tố để game gặt hái được nhiều thành công suốt 28 năm. Mortal Kombat gây nghiện cho game thủ 80% là nhờ vào gameplay độc đáo và sáng tạo.

GAMEPLAY - ĐỘC ĐÁO VÀ SÁNG TẠO

Nhắc đến gameplay của Mortal Kombat, không ai không nghĩ đến 2 từ BẠO LỰC VÀ MÁU ME, thậm chí là thiếu logic và cực kỳ vô lý. Không phải tự nhiên mà nhà sản xuất từ phần đầu tiên đã cố ý sửa chữ “C” trong từ “Combat” thành chữ “K”, hàm ý của “K” nghĩa là Kill, chỉ cần biết giết và giết. Nhờ vào việc không quá nặng về nội dung nên bạn nào muốn nhảy vào chơi phần mới nhất ngay cũng không thành vấn đề. Điểm thứ 2, nếu không quan tâm nội dung, không để ý cốt truyện, thì có gì hay mà chơi? Điểm hay ở chỗ, bạn chỉ cần có một sự liên kết, sự yêu thích đối với 1 nhân vật nào đó là đủ. Mỗi nhân vật đều được xây dựng để phù hợp với từng phong cách chơi của từng người, Mortal Kombat cực kỳ thành công ở việc tạo ra sự đa dạng trong tuyến nhân vật, một khi bạn đã có một “bến đỗ” cho mình, bạn chỉ cần rèn luyện cách điều khiển nhân vật đó thật điêu luyện đi đánh bại các nhân vật khác. Cũng vì vậy, mà game hầu như không có nhân vật chính hay nhân vật phụ, trong lòng mỗi game thủ sẽ có một nhân vật chính khác nhau, thậm chí Warner Bros. còn cho ra các nhân vật vào game dạng cross-over thông qua DLC như Alien, Bo Rai Cho hay Jason trong phần X, khiến cho kho nhân vật của họ ngày càng đồ sộ hơn, tiếp cận được đến nhiều game thủ hơn.

Mortal Kombat

Vậy thế nào gọi là điêu luyện? Không ít người mình gặp nhận xét Mortal Kombat là tựa game nhàm chán ở thời gian đầu chơi game bởi họ cảm thấy game khá rời rạc và chậm chạp. Nhưng đánh MK mà chỉ biết bấm nút để đánh đấm đơn giản thì chóng chán là điều đương nhiên. Người chơi MK phải biết cách sáng tạo trong cách đánh của mình, cái gì sáng tạo thành công mà chẳng gây nghiện? Cách combo của game cũng là một thách thức đối với gamer, nhất là từ Mortal Kombat X, nhịp chơi được đẩy lên rất nhiều, các animation của nhân vật được thiết lập để có thể chiến đấu liên tục. Game có công thức để bạn chơi chiêu hoặc đi đường quyền gây sát thương, tuy nhiên, để nhịp game nhanh và hấp dẫn hơn, nhiều người chơi đã sáng tạo ra cách kết hợp các chiêu để có thể tạo ra các combos thật nhiều hit để cây máu của đối phương rút nhanh hơn.

Mortal Kombat

Yếu tố máu me là một điểm cộng của Mortal Kombat và cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tên tuổi của tựa game kinh điển này. Trên thực tế, MIDWAY đã từng áp dụng một gameplay ít máu me hơn rất nhiều trên “Mortal Kombat vs. DC Universe”, tuy nhiên, phần game này chỉ nhận về số điểm 7.5 trên IGN, một số điểm quá tầm thường cho 1 tượng đài đối kháng như Mortal Kombat. Vì MIDWAY muốn game của mình được ESRB hạ mức rating xuống còn loại T (tức là dành cho lứa tuổi Teen thay vì M, chỉ dành cho lứa 18 tuổi trở lên) để có thể tăng doanh thu do mở ra một thị trường lớn hơn. Nhưng việc giảm độ gore và không cải tiến nhiều về độ hoạ đã khiến phần cross-over với DC Universe nhận về rất nhiều thất bại, mở rộng thị trường thì chưa biết, nhưng số fan quay lưng lại với phần game lại cực kỳ nhiều. Có thể thấy, từ phần Reboot trở đi, Mortal Kombat đã tiếp tục thế mạnh của nó, kèm với sự cải tiến vượt bậc về đồ hoạ mà các Fatality trở nên thật và đẹp hơn bao giờ hết.

Mortal Kombat

FATALITY

Fatality xuất hiện ngay từ phần đầu của MK và duy trì cho đến bây giờ, đây mới chính là cơ chế giúp Mortal Kombat tạo nên sự khác biệt rất lớn với các tựa game cùng thể loại. Sau khi giành được chiến thắng, đối phương của bạn sẽ chưa bị hạ gục hoàn toàn mà sẽ vào trạng thái bất động. Lúc này sẽ có giọng nói huyền thoại vang lên:“FINISH HIM/HER”. Sau này, game còn có cơ chế kết liễu khác như Brutality hay Faction Kill, Babality…

Mortal Kombat

MULTIPLAYER

Multiplayer của Mortal Kombat thực sự tạo ra cho mình 2 luồng cảm nhận khi chơi: Đầu tiên đó là sự vui vẻ vì được chơi với người thật dù sao vẫn thôi thúc hơn đánh với máy. Thứ hai, đó là tính thách thức, nhất là khi từ về tay WB, game được tích hợp khả năng chơi online, khiến cho cuộc chiến của game thủ ngày càng khốc liệt hơn.

Mortal Kombat

Multiplayer còn là mảnh đất màu mỡ cho các buổi tournament, những trận đấu giữa các game thủ chuyên nghiệp xem cực kỳ đã mắt, vừa khiến chúng ta phải trầm trồ, vừa là nơi để các game thủ học hỏi cách chơi game. Nhắc đến Tournament Mortal Kombat, có lẽ sẽ không ít bạn biết đến anh chàng SonicFox, nhờ vào kỹ năng combo mà anh từng nhận được rất nhiều giải thưởng lớn, bản thân mình cũng học được rất nhiều về cách chơi game khi xem những trận đấu này.

Mortal Kombat

Dù đã trải qua 11 phần game nhưng Mortal Kombat vẫn còn giữ cho mình sức nóng và rất nhiều game thủ sẵn sàng bỏ tiền để chạy theo những phần mới nhất của nó. Còn bạn thì sao?

Tượng Đài Game Đối Kháng Mortal Kombat