Prince of Persia: The Lost Crown đánh dấu một bước chuyển mình đáng được trân trọng của dòng game Hoàng Tử Ba Tư danh tiến, Ubisoft đã dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn mà bộ ba game về dòng cát thời gian đã thiết lập trước đó, để đến với phong cách metroidvania cổ điển nhưng đầy hấp dẫn.

Chúng ta sẽ giã từ anh chàng hoàng tử cao quý để đến với Sargon trong Prince of Persia: The Lost Crown. Anh vốn là một thành viên trong đội Immortals (những chiến binh được đánh giá tinh nhuệ bật nhất Ba Tư và nếu các bạn đã xem phim 300 thì đây là mấy anh đeo mặt nạ đó). Sau khi ngăn chặn một nổ lực tạo phản thì Sargon lại tiếp tục phải đi tới ngọn núi Qaf với một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là giải cứu vị hoàng tử cao quý đã bị bắt cóc đưa tới nơi đây. Chính việc này đã phần nào lý giải được tạo hình của anh chàng nhân vật chính của chúng khi thường xuyên bị nhiều người cho rằng anh không có chút phong phạm hoàng tử nào. Đồng thời nó cũng đem tới một làn gió mới cho cốt truyện của dòng game này khi từ trước tới nay chúng ta cứ bị ép phải theo chân một chàng hoàng tử vốn đã bị khai thác triệt để.

Chỉ cần bước vào Prince of Persia: The Lost Crown không lâu chúng ta dễ dàng nhận thấy được game làm rất tốt về mọi mặt từ cơ chế combat được chăm chút kỹ lưỡng, màn chơi được thiết kế đầy sáng tạo dư sức làm thỏa mãn các fan hâm mộ khó tính nhất và cuối cùng là các câu đố đầy sáng tạo chính những mặt này đủ sức khiến các game thủ dù đã từng chơi các phần game trước hay không đều khó mà có thể dứt ra được khỏi phần gameplay đầy hấp dẫn. Mặc dù nói là chúng ta sẽ tới khám phá vùng núi Qaf nhưng các bạn đừng nghĩ rằng vì thế mà bản đồ trong game sẽ đơn điệu hoặc kém hấp dẫn thế nhưng chắc chắn các bạn sẽ phải bất ngờ trước sự đa dạng của các bản đồ lẫn môi trường trong game. Chúng ta có thể khám phá các ngôi đền, hầm ngục cổ đến những thư viện hoàng gia thậm chí là các hang động rộng lớn đợi bạn khám phá. Tại mỗi địa điểm mà các bạn đặt chân tới thì các bạn có thể khám phá thêm các vũ khí, kỹ năng, sức mạnh mới đồng thời có rất nhiều bí mật mà đòi hỏi các bạn phải quay lại đây rất nhiều lần thì mới khám phá hết.

Và giống như một bài trước đây HALO đã viết về tựa game này thì Prince of Persia: The Lost Crown có một tính năng vô cùng hữu ích đặc biệt là đối với những người hay quên như mình đó là Memory Shards. Tính năng này cho phép game thủ tạo ra một bản đồ chi tiết hơn với những hình ảnh minh họa cụ thể thứ này giúp cho các bạn dễ dàng nhớ lại những thứ cần làm mỗi khi cần quay lại một địa điểm nào đó. Và đừng quên rằng dù các bạn có kỹ năng chơi game như thế nào đi nữa thì tựa game này cũng sẽ có một độ khó dành cho bạn khi bên cạnh những độ khó mặc định như Rookie, Warrior, Hero, và Immortal thì người chơi có thể tùy chỉnh vô số yếu tố liên quan đến cơ chế chiến đấu để tạo ra một trải nghiệm vừa tuyệt vời vừa thử thách. Đây là một điều vô cùng quan trọng vì nó sẽ tạo cơ hội cho bạn có thể trải nghiệm tựa game này một cách tuyệt vời nhất, đặc biệt là khi game sở hữu một cốt truyện hấp dẫn với nhân vật chính lãn phản diện chính đều được phát triển có chiều sâu. Đồng thời bối cảnh của game cũng giúp người chơi thoát khỏi cảm giác nhàm chán với các chủ đề liện quan đến thời trung cổ ở châu Âu lẫn Hy Lạp hoặc Nhật Bản để đến với một chủ đề mà rất lâu rồi chúng ta mới gặp lại đó là huyền thoại Ba Tư.

Prince of Persia: The Lost Crown có thể không sở hữu một nền tảng đồ họa 3D choáng ngợp nhưng game vẫn dư sức hấp dẫn các bạn dù có phải là fan của chàng hoàng tử năm nào hay không, và với độ khó của game có thể tùy chỉnh được thì đây cũng là một tựa game thích hợp để các bạn có thể dùng để tiếp cận với thể loại metroidvania.