Cộng đồng game thủ đã có dịp chứng kiến cuộc chiến giữa 3 ông lớn ngành công nghiệp game, chiến thắng thật sự thuộc về ai thì đó là tuỳ suy nghĩ mỗi người hâm mộ. Thế nhưng câu hỏi lớn nhất được đặt ra là tại sao cỗ máy Xbox One lại lép vế và nhận kết cục cay đắng đến như vậy? Liệu Xbox One có thật sự tệ đến vậy chăng? Cùng HALO tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Xem thêm nhiều video đặc sắc hơn tại HALO Youtube Channel

RA MẮT LẦN ĐẦU tiên

Vào tháng 5 năm 2013, Microsoft lần đầu đưa đến cho cộng đồng những hình ảnh mới nhất về thế hệ console kế nhiệm Xbox 360, không ai khác chính là cỗ máy Xbox One. Lúc này rõ ràng những gì mà chúng ta muốn biết là cỗ máy mới có công nghệ đột phá gì hoặc là những tựa game nào sẽ xuất hiện trên đây hoặc đơn giản là mạnh mẽ ra sao… Thế nhưng trái ngược lại với các yếu tố trên, Microsoft hầu như đã phá hỏng toàn bộ sự kiện này bằng cách cực kỳ đơn giản: Giới thiệu những tính năng không mấy ai thật sự cần và quan tâm trên Xbox One.

Thời kỳ đen tối của Xbox One

Đội ngũ dành phần lớn thời gian chỉ để luyên thuyên về việc Xbox One có thể xem TV được, duyệt web và sử dụng được cả Skype. Thời lượng còn lại Microsoft dành thời gian để trình bày về Call Of Duty: Ghosts, yếu tố liên quan đến game duy nhất mà người xem có thể đọng lại từ sự kiện này. Toàn bộ phần thuyết trình của Microsoft đã nhận nhiều đánh giá thật sự rất tệ. Chưa dừng lại ở đó, chốt hạ cuối cùng của họ rằng Xbox One sẽ được bán kèm với Kinect ở mức giá 499$ đã một lần nữa làm cho đại đa số khán giá tại sự kiện chán nản với tham vọng và định hướng sai lệch của hãng.

SỨC MẠNH CỦA XBOX ONE

Quyết định sai lầm thứ 2 của Microsoft chính là trang bị cho Xbox One card đồ họa yếu thế hơn đối thủ cạnh tranh PS4 của mình, cộng với đó PS4 còn sở hữu RAM nhanh hơn. Có nghĩa rằng nếu như bạn muốn trải nghiệm được các tựa game với mức đồ họa tuyệt đẹp, PS4 sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho bạn chứ không phải Xbox One.

Thời kỳ đen tối của Xbox One

Mặc dù Microsoft đã cố gắng rất nhiều để chiếc máy của mình được mọi người đón nhận hơn. Họ xóa bỏ hệ thống DRM mà trước đó đã giới thiệu vào sự kiện ra mắt máy và cũng tập trung nhiều hơn vào game trong sự kiện E3 2013. Nhưng dù gì thì Microsoft cũng không thể nào thay đổi được phần cứng mà họ đã trang bị cho Xbox One, biến nó trở thành máy game console “yếu” nhất thời đại bấy giờ.

THIẾU THỐN GAME ĐỘC QUYỀN

Mỗi khi bàn đến yếu tố game độc quyền của một hệ máy sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhau, nhưng mà rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận thực tại được. Yếu tố game độc quyền trên PS4 được giới phê bình đánh giá cao và trở thành dấu ấn của thương hiệu vượt mọi thời đại.

Còn về phần Xbox One, chúng ta không mấy được tận hưởng nhiều tựa game độc quyền đến như vậy. Tất nhiên chúng ta vẫn có những cái tên đáng chú ý như HALO 5, phần game được đưa lên Xbox One vào năm 2015 và cũng là thương hiệu làm nên tên tuổi của Xbox. Chúng ta có Gears Of War phần 4 cũng cho người chơi trải nghiệm khá ổn và Forza, tựa game đua xe luôn được mong đợi hằng năm.

Thời kỳ đen tối của Xbox One

Thế nhưng nhìn chung đây thật sự chỉ dừng lại ở mức game mô phỏng và hành động, chưa có quá nhiều chiều sâu để người chơi đọng lại sau khi trải nghiệm. Đây chính là điểm mà Xbox One đã để thua thiệt so với đối thủ của mình. Tất nhiên Microsoft đã nhận ra thiếu sót này và họ cho biết sẽ cải thiện tốt hơn nhiều trong tương lai. Nhất là khi mới đây hãng đã mua lại Bethesda để đối đầu trực diện với Sony thì hi vọng chúng ta sẽ được trải nghiệm nhiều tựa game độc quyền hơn vào tương lai trên hệ máy next-gen Xbox Series X lẫn S.

DỰ ÁN game DANG DỞ

Những dự án không có kết thúc tốt đẹp cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên thất bại của Xbox One. Microsoft cũng có nhiều dự án bên cạnh những tựa game độc quyền đã kể trên, ví dụ là tựa game Scalebound được phát triển vào năm 2013. Xem qua 8 phút gameplay của Scalebound và hàng tá bình luận bên dưới thôi thì bạn cũng dễ dàng thấy được sự mong đợi của fan Xbox dành cho tựa game. Nhưng Studio PlatinumGames dường như bị choáng ngợp với các yêu cầu khắc nghiệt mà Microsoft đặt ra nên tựa game Scalebound cũng đã bị delay từ năm 2016 đến năm 2017. Cuối cùng, Microsoft rút khỏi dự án này khiến cho đại đa số game thủ cực kỳ hụt hẫng và thất vọng.

CÁC TỰA GAME GÂY THẤT VỌNG

Microsoft có vẻ mát tay khi tập trung vào những tựa game không mấy được quảng bá rầm rộ, mà 2 trong số đó mình có thể kể đến chính là Ori And The Blind Forest cùng Cuphead, 2 cái tên đạt được nhiều thành công cực kỳ ấn tượng kể từ khi nó ra mắt. Ngược lại, nhiều tựa game có vẻ hầm hố lại tỏ ra vô cùng lép vế khi về đội Xbox One. Có thể kể đến như ReCore hay Quantum Break, đều là những dự án game lúc chưa được ra mắt thì có vẻ đáng mong đợi, nhưng khi chính thức phát hành đã khiến đại đa số người chơi ngao ngán về lối trải nghiệm thiếu phong phú.

ÍT SỰ MONG ĐỢI

Người dùng PS4 có rất nhiều sự mong đợi về game khi họ đang hoặc sắp sở hữu chiếc máy này. Nếu yêu thích thể loại game nhập vai, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi vào Final Fantasy VII Remake, còn thể loại hành động sinh tồn thì có Days Gone, hay thậm chí tựa game Death Stranding của đạo diễn Hideo Kojima cũng đã làm mưa làm gió trong khoảng thời gian nó được thông báo đưa vào phát triển.

Còn Xbox One, quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên Halo, Gears và Forza ngoài ra cũng không có bất kỳ thông tin về game độc quyền nào khác để người dùng có thể mong đợi. Hệ quả chính là sự lạnh nhạt mà Xbox One phải lãnh chịu trong suốt khoảng thời gian máy được ra mắt.

CÁC TÍNH NĂNG KHÔNG ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG

Như mình đã nói ở trên, tại sự kiện ra mắt Xbox One Microsoft đã giới thiệu đến chúng ta hằng hà sa số các tính năng mà có vẻ như không thật sự cần thiết khi bạn là một game thủ. Một khoảng thời gian sau hãng cũng đã dần loại bỏ loạt tính năng đó ra khỏi chiếc máy game mà họ đã từng rất mong đợi.

Thời kỳ đen tối của Xbox One

Chúng ta có thể kể đến như tính năng “Snap” với mục đích hỗ trợ game thủ vừa xem TV vừa chơi game. Nhìn vào thực tế một chút, ai lại cần cái tính năng này vậy? Cùng với đó là tính năng hướng dẫn sử dụng các chương trình truyền hình trên Xbox One cũng đã bị ẩn đi trong bản cập nhật hệ điều hành mới của họ. Nói chung mọi thứ nó đã đi ngược lại so với những lời giới thiệu lúc đầu mà Microsoft đã đưa ra cho cộng đồng game thủ chúng ta.

Thời kỳ đen tối của Xbox One

Kinect cũng vậy, tuy là một cải tiến hoàn toàn mang tính tương lai khi mà nó có thể điều khiển bằng giọng nói, thao tác cử chỉ. Nhưng một điều đáng buồn là không có mấy ai thích thú với Kinect, đặc biệt là khi hãng đã quyết định bán cả một combo cả Xbox One cả Kinect với mức giá không ai ngờ được 499$. Chưa kịp thấy hay trải nghiệm sự đặc biệt của Kinect thì nó đã bị tẩy chay đến mức hãng phải khai tử thiết bị này, dù cho thật sự nó rất tốt.

Thời kỳ đen tối của Xbox One đã qua chính là một bài học để đời giúp cho Microsoft trưởng thành hơn. Nhờ đó mà sản phẩm mới nhất của hãng Xbox Series X/S đã được cải tiến thêm nhiều tính năng và có giá bán hấp dẫn, còn về mảng game thì Microsoft cũng đã chú trọng quan tâm hơn khi gần đây liên tục thâu tóm các studio game và lên nhiều dự án game hay khác. Có lẽ trong tương lai không xa, cỗ máy Xbox Series X/S với sự chăm chút và cải thiện không ngừng của Microsoft sẽ vượt mặt PS5 từ nhà Sony chăng? Chúng ta hãy cùng chờ xem nhé.