Tổng hợp những tựa game bom tấn chết yểu
Tháng tư cũng như chiêu trò quảng cáo là lời nói dối ngọt ngào nhưng đều ẩn chứa sự thật cay đắng. Nếu sự giả dối đó chỉ chiếm phần nhỏ bên trong tổng thể bức tranh lớn thì công chúng sẽ dễ dàng bỏ qua. Nhưng trong những trường hợp quả bom kỳ vọng của game thủ được tích tụ trong một thời gian dài lại bị châm ngòi nổ bởi sự quảng cáo sai sự thật của hãng game để lại tàn dư toàn nỗi thất vọng, thì thứ tai tiếng xấu này sẽ mãi đeo bám doanh nghiệp đó rất lâu về sau.
Nếu mà nói về tổ ngành “Treo đầu dê, bán thịt chó” trong lĩnh vực video games thì ắt hẳn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Ubisoft. Cha đẻ của rất rất nhiều loạt game gắn mác bom tấn trong 20 năm trở lại đây. Đúng là nói vậy có phần hơi thái quá vì dù sao Ubisoft cũng chỉ là hãng game tiên phong trong triết lý làm game này. Bên cạnh hành động downgrade đồ họa game như Ubisoft, hàng tá yếu tố khác như gameplay, cốt truyện hay bug/glitch là điều khiến cho những bom tấn mồm mà SayGame sẽ đề cập đến trong video này có cuộc phiêu lưu vào lòng đất sau khi được phát hành.
Watch Dogs
EA được ví như là cỗ máy rửa tiền hợp pháp, Blizzard nổi tiếng với việc đem con bỏ chợ và lười thay đổi thì Ubisoft là cái ông mà nói một đằng, làm một nẻo. Đơn cử là trường hợp Watch Dogs hay dân gian chúng ta thường gọi với một cái tên thuần Việt thân mật hơn là Xem Chó, tựa game khởi nguồn của tiếng đời mà người ta dành cho Ubisoft.
Watch Dogs, tựa game hành động phiêu lưu thế giới mở được phát hành vào năm 2014, được kỳ vọng sẽ thành công, mở ra một dòng game đồng thời xây dựng 1 cộng đồng gamer mới tại giai đoạn chuyển giao thế hệ console bấy giờ.
Về bản chất, Watch Dogs là một tựa game khá ổn chứ không đến mức tệ. Tiếc thay Ubisoft lại gieo rắc quá nhiều khung cảnh demo như thật của Watch Dogs tại thời điểm tiết lộ nó lần đầu ở E3 2012, từ đồ họa cho đến gameplay mang phong cách của một hacker sở hữu khả năng chiến đấu như một đặc vụ đều trông hứa hẹn. Nhưng rồi hầu như chi tiết đồ họa nào của Watch Dogs trong phiên bản game chính thức cũng đều bị lược bớt khi đem ra so sánh với trailer E3 2012. Yếu tố đổ bóng, môi trường chân thực, NPC xung quanh và ngay cả bản thân trang phục của nhân vật chính Aiden Pearce cũng chẳng còn gì ngoài màu sắc khác biệt đôi chút. Gameplay không khác nồi lẩu thập cẩm, vay mượn các yếu tố mỗi nơi một ít. Cốt truyện nhạt nhòa và đến cuối game rốt cuộc người chơi cũng nhận ra là mình chỉ đang điều khiển một hacker trầm cảm đang lún sâu vào con đường trả thù mà chẳng có lý tưởng cao cả gì khác.
Đúng người nhưng sai thời điểm. Watch Dogs ra mắt trong khoảng giữa thời gian GTA V lên kệ 2 nền tảng console cũ và mới. GTA V như một thước đo chuẩn cho mọi game hành động thế giới mở lúc đó. Watch Dogs biến thành trò cười cho dư luận, gián tiếp đưa vị thế của GTA V trở nên cao hơn.
Assassin's Creed Unity
Người ta biết đến và dành sự quan tâm phần lớn cho Assassin's Creed Unity bởi giá trị của thương hiệu này cùng với nền tảng cộng đồng sẵn có từ những năm cuối thập niên 2000. Do vậy, dù không quảng bá rầm rộ nhưng phần hậu bản của Black Flag vẫn được cộng đồng mong đợi rằng nó sẽ mang lại nhiều trải nghiệm đột phá.
Và game thủ rồi cũng đã được tận tay chiêm ngưỡng những điều đó, nhất là trong gameplay và phần đồ họa. Nhắc đến đồ họa, có lẽ hãng đã rút kinh nghiệm từ sai lầm mắc phải với Watch Dogs, Ubisoft đã gần như tái hiện nguyên vẹn từng đường nét, góc cạnh cốt lõi nhất của Paris tráng lệ bên ngoài, hoang tàn bên trong đang chìm ngập trong không khí căng thẳng cuộc cách mạng Pháp cuối thế kỉ 18 mà chỉ cắt giảm rất ít hiệu ứng cho phù hợp với cấu hình của nhiều hệ máy.
Assassin's Creed Unity là phần game sở hữu cái chất Assassin (Sát thủ) nhất trong số các tựa thuộc dòng Assassin. Tựa game này không chỉ nâng cấp những kĩ năng parkour so với những tiền nhiệm, nó hoàn toàn đổi mới cơ chế, biến parkour trong Assassin's Creed Unity trở nên mượt mà hơn rất nhiều. Không chỉ đối với các tựa Assassin's Creed ra đời trước đó, mà còn cả những phiên bản về sau như Origin, Odyssey hay gần đây nhất là Valhalla đã làm cái chất leo trèo ngày càng phai mờ.
Vậy nguyên nhân Assassin's Creed Unity chết yểu là do đâu khi cả gameplay lẫn đồ họa đều xuất sắc? Đó là bug/glitch và vô số lỗi liên quan đến gameplay.
Mặc cho hãng game từ Pháp đã nỗ lực sửa chữa chúng suốt một năm sau đó kể từ khi trình làng Assassin's Creed Unity nhưng ai cũng sẽ rất hào hứng thảo luận nếu bạn khơi gợi và đưa chúng thành một chủ đề trên các mạng xã hội ngay lúc này.
Tối ưu kém là thứ nguyên nhân gây khó chịu hàng đầu bởi nó liên tục làm fps sụt giảm thậm tệ khi nhân vật chính chen chân vào những khu vực đông đúc các NPC. Hay tạo hình nhân vật nhiều lúc trở nên kì lạ khi khuôn mặt hoàn toàn biến mất, chỉ để lộ những bộ phận còn lại như mắt hay hàm răng, trông khá creepy. Có một điều tương tự như nỗi niềm chung của cộng đồng lập trình viên theo mình biết, đó là khi ta fix lỗi này thành công thì lỗi khác xuất hiện. Vì thế, một bản patch nặng vài gigabyte có thể xử lý khá ổn vấn đề này thì tư dựng đâu ra nhiều vấn đề khác phát sinh.
Bên cạnh đó, tình tiết câu chuyện xoay quanh Arno cũng bị đẩy đi quá nhanh. Hình ảnh, hướng phát triển của Arno bị đánh giá là không có chiều sâu như tượng đài Ezio và cả mối quan hệ của Arno đối với các NPC chính cũng chỉ mang tính chất lấp vào cho có. Hệ thống nhiệm vụ phụ không quá xuất sắc, mang tính lặp lại và chẳng mảy may tác động tí nào đến cốt truyện nhân vật chính của chúng ta theo đuổi.
Tất cả những yếu tố kể trên đều nằm dưới rất xa mức kỳ vọng các fan gạo cội trông chờ ở tựa game này, thậm chí khiến nó bị chửi lên chửi xuống. Vì thế dù cho đạt số điểm 70 do các nhà phê bình nhưng điểm trung bình người dùng chấm chỉ vỏn vẹn 4.1 trên trang Metacritic. Một thất bại khiến Ubisoft còn nhớ dài.
Fallout 76
Fallout không phải là loạt game tệ, Fallout từ phiên bản đầu tiên cho đến New Vegas đều là những huyền thoại của tuổi thơ thế hệ 8x 9x. Nhưng Fallout 76 thực sự là vết nhơ của Bethesda trong suốt lịch sử xây dựng và phát triển dòng game.
Như mình nói ở trên, Ubisoft có thể treo đầu dê bán thịt chó trong game thì Bethesda đã nâng tầm khả năng này lên hẳn một bậc, scam người dùng từ giai đoạn pre-order. Và đó cũng chính là tấm vé cho cuộc hành trình tự hủy của Fallout 76.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày đẹp trời cuối tháng 6 năm 2018 khi Bethesda tung ra nhiều gói phiên bản đặt trước của Fallout 76 sẽ trình làng vào tháng 11. Mỗi phiên bản đều có những món đi kèm giá trị tùy theo mức hầu bao fan có thể bỏ ra, đặc biệt nhất là phiên bản Power Armor 200$. Phiên bản này được Bethesda công bố sẽ bao gồm: một chiếc nón bảo hộ T51 kích cỡ 1:1, một tấm bản đồ, 24 mẫu mô hình các nhân vật, một hộp đĩa độc quyền phiên bản Tricentennial và chiếc túi tai tiếng West Tek bằng vải Canvas, là vải Canvas đấy, ờ thì nhìn hình cũng đẹp, ngầu thật.
Nhưng. Khi nhận hàng, người ta mới tá hỏa chiếc túi West Tek Canvas đóng gói trong phiên bản trị giá tận 200$ thực chất là chiếc túi nilon đựng rác, gắn mác West Tek. Không chỉ một vài cá nhân mà gần như lập tức sau đó, một làn sóng phẫn nộ từ các fan bắt đầu liên tục giáng lên Bethesda. Nhưng nếu chuyện chỉ dừng lại ở việc thay thế túi Canvas thành Nilon sẽ chẳng vấn đề gì? Fan có quyền refund hoặc đổi trả là được kia mà.
Nguyên nhân phát sinh luồng tiêu cực đổ dồn về Bethesda còn lớn và nghiêm trọng hơn câu chuyện chiếc túi nhiều. Thứ nhất, bản thân Fallout 76 là một tựa game CỰC KÌ TỆ và thứ hai là giai thoại cách xử lý vấn đề chiếc túi một cách trơ trẽn càng dẫn Bethesda lún sâu hơn vào vũng bùn lừa đảo.
Một fan đã lưu và chia sẻ một bức email phản hồi từ đội ngũ hỗ trợ Bethesda với nội dung chính liên quan đến chiếc túi Canvas bằng nilon như sau:
Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu sẵn có, chúng tôi (Bethesda) đã chuyển sang chất liệu túi nilon trong Fallout 76 - phiên bản Power Armor. Chúng tôi hy vọng nó sẽ không làm bạn thất vọng về nó, theo đúng như những gì chúng tôi hình dung nó như là phiên bản sưu tập tốt nhất mà chúng tôi từng tạo ra.
Ấn tượng chưaaaa? Bethesda thừa biết chuyện họ thay đổi chất liệu túi nhưng đã không có bất kỳ dòng thông báo nào, không một lời hỏi han tham khảo ý kiến, cứ vậy phát hành game và giờ người hâm mộ phàn nàn về thứ không xứng với số tiền bỏ ra thì hãng lại trả lời lại bằng 1 email ngắn gọn, đến mức khinh thường fan theo đúng nghĩa đen.
Fallout 76 - game TỆ từ khâu đặt trước, hình thức cho đến nội dung trải nghiệm. Nếu chỉ bàn đến riêng một con game mác AAA giá 60$ thời điểm đó, chúng ta có gì?
Một thế giới rộng lớn nhưng vô hồn, người chơi sẽ có cảm giác như bị giam lỏng, mất tự do. Ai nói chế độ PVP tệ thì chúng ta còn các NPC hay mấy con dế để chơi theo cách thức Single kia mà. Nhưng khổ nỗi ở Fallout 76 thậm chí còn chẳng có con dế nào để chúng ta chơi cùng nữa kìa.
Đồ họa cũ kĩ xây dựng trên nền tảng Creation Engine (engine tạo nên The Elder Scrolls V ra mắt vào năm 2011), dù Skyrim vẫn còn giá trị chơi lại rất lớn nhưng Fallout 76 thì hoàn toàn KHÔNG. Tạo hình và môi trường cứ như đấm vào mặt người chơi. “Dễ tính như cộng đồng gamer thập niên 2000 thì chấp nhận chứ như bọn tôi giai đoạn 2010, bỏ 60$ ra chỉ để giả lập đi nhờ cỗ máy thời gian của Doraemon về quá khứ thôi hay gì?”
Đồ họa chán, game thì lắm bug đến cả FPS còn lock thì cầm súng lên mà aim kiểu gì hả Bethesda? Chưa kể nhiệm vụ thì lặp đi lặp lại, mà phần thưởng thì chẳng thấm vào đâu so với hội nạp lần đầu. Từ từ, … Nạp lần đầu cho một tựa game chẳng hề free tí nào?
Một câu chuyện ngắn nhưng không hề "ngắn" mà mình bỗng nhiên liên tưởng đến: “Có một hãng game nọ bán game mác bom tấn mức giá 60$, sau đó người chơi phải nạp thêm tiền để thử thách nhân phẩm cho acc mình mạnh hơn thiên hạ?" Đó là hãng nào nhỉ? Bạn đã đoán được chưa :))
À quên, đây là Fallout 76 của Bethesda kia mà. Bethesda đã thực sự điên rồ khi đưa ra gói thành viên 1 năm trị giá 100$ với các vật phẩm làm mất tính cân bằng game. Như mấy game free hay hàng chùa thì người chơi còn cân nhắc, ở đây thà bỏ 100$ gia hạn Netflix xem tẹt 1 năm thì còn có lý hơn nhiều.
Haizzz, tai tiếng từ Fallout 76 thậm tệ vầy rồi thì không biết các fan dòng game này, liệu họ còn trông chờ vào những bản game tiếp theo của nó trong tương lai hay không?
Anthem
Những tưởng cộng đồng gamer sẽ được thưởng thức một bom tấn bắn súng, phiêu lưu thế giới mở trong khi chờ đợi một làn gió mới từ loạt Mass Effect từ sau phần Andromeda thì rốt cuộc chúng ta lại bắt gặp phải một Anthem hào nhoáng nhưng lại chẳng sở hữu nội dung nào đáng kể bên trong.
Anthem từ BioWare EA tuy vướng phải phốt quảng cáo đồ họa trá hình ban đầu nhưng đó lại không phải vấn đề quá lớn khi so với câu chuyện người chơi rút ra được sau khi trải nghiệm nó.
Đồ họa là một trong số nhiều yếu tố tiên quyết làm nên thành công của tựa game bởi nó là phẩm chất dễ nắm bắt nhất, dễ đi vào tâm trí nhất của một người. Nhưng kể từ nhà tiên phong Ubisoft, tiêu chí này dường như đã và đang được cộng đồng xem xét, đánh giá lại tính xác thực. Anthem dường như lại quá phụ thuộc vào đồ họa mà quên đi mất bản chất cần có của một tựa game nên là gì?
Một tựa 2D Platform, đồ họa pixel không đẹp đẽ nhưng vẫn hoàn toàn hấp dẫn người chơi nếu sở hữu một cốt truyện bên trong một thế giới được xây dựng kĩ lưỡng và có chiều sâu. Còn Anthem đã tự đánh mất mình bởi một gameplay lặp lại quá nhiều, cốt truyện là mớ bòn bon hỗn độn, chán ngắt.
Gắn mác thế giới mở nhưng thế giới trong Anthem cũng chỉ vỏn vẹn một cảnh sắc khu rừng rậm mà thôi, nó lặp lại như cách gameplay quanh đi quẩn lại chỉ có nhiêu đấy. Thế giới trong Anthem không có bất kỳ vùng băng giá hay hoang mạc cằn cỗi nào khác biệt, có vẻ hành tinh này thực chất là một nơi phẳng lỳ không hơn không kém.
Gameplay tệ nhưng đến tận cơ chế loot vật phẩm như lượm rác thì khác nào BioWare đuổi người chơi đi mà tìm game khác. Trong Borderlands, may mắn bạn có thể nhặt được vài khẩu xịn sò nhưng đối với Anthem thì giống như bạn sơn súng cho đẹp mà thôi, ngoài đẹp thì cũng chẳng để làm gì. Phí thời gian và công sức.
Ngoài ra, những kẻ địch AI cũng là một yếu tố quan trọng thể hiện độ khó game và trình độ game thủ khi trải nghiệm. Nhưng, AI của Anthem như tấm gương phản chiếu bản thân nhân vật chúng ta điều khiển. Ta tấn công chúng, bản thân ta sẽ bị hội đồng bất chấp. Ta bất động, ta với chúng như đôi tình nhân, 4 mắt nhìn nhau âu yếm mà chẳng có bất kỳ tương tác qua lại nào. Chung quy lại là chúng đông nhưng ngu và không nguy hiểm mấy. Có lẽ việc BioWare nhiều lần hồi sinh dự án trong vô vọng đều trở nên công cốc vì cộng đồng đã chẳng thèm ngó ngàng gì đến cho nữa rồi.
Gần đây nhất là thông tin về dự án Anthem 2.0 đã chính thức bị khai tử. Phần nguyên do chính như mình đã nêu bên trên đối với dự án Anthem đầu tiên quá thất vọng, yếu tố khác còn lại là bởi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến chưa biết khi nào kết thúc, tác động đáng kể đến năng suất làm việc của những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cyberpunk 2077
Trong mọi cuộc vui chúng ta thường hay nói với nhau rằng Save the best for last mang ý nghĩa Hãy để dành điều tốt đẹp nhất cho đến phút cuối. Nhưng đây là video hơi hướng tiêu cực nên tựa game cuối cùng ở video này lại là cái tên có tuổi đời lên đỉnh ngắn nhất trên cộng đồng ngay sau thời điểm nó được phát hành.
Cyberpunk 2077 được tạo nên bởi đội ngũ CD Projekt cha đẻ triple A The Witcher 3: Wild Hunt - vinh dự nhận giải GOTY 2015, cái tên đã xuất sắc đánh bại những bom tấn đình đám bấy giờ gồm: Super Mario Maker, Fallout 4, Metal Gear Solid V: The Phantom pain và Bloodborne. Cộng đồng fan dành nhiều tình cảm cho thể loại hành động nhập vai tương lai giả tưởng, vì thế có cơ sở mà tin rằng, đứa con bom tấn kế tiếp nhà phát triển Ba Lan này sẽ như mốc son chói lọi trên con đường khẳng định tầm vóc trong ngành công nghiệp ngàn tỷ đô này.
Nhưng sau cái ngày định mệnh 10.12.2020 đó, chúng ta đã chứng kiến một Cyberpunk 2077 chết yểu theo đúng nghĩa đen. Tại sao vậy?
Truyền thông quá đà, dai dẳng tương tự như con dao hai lưỡi, không chỉ riêng đối với Cyberpunk 2077, nó tạo ra nhiều kỳ vọng và sau đó cũng chính nó gần như giết chết tựa game này. Cyberpunk 2077 không chết về mặt tồn tại bản chất của nó trong thế giới trò chơi điện tử mà tựa game này thực sự chết về mặt tinh thần và gần như bị xóa sổ trong tâm trí hầu hết những người chơi đã hoặc chưa hoàn thành nó.
Kể cả trước thời điểm nó trình làng rất lâu, trong tiềm thức của một bộ phận cộng đồng, Cyberpunk 2077 đã gần như là một dự án ma. Họ luôn đặt ra câu hỏi sau những bức thư vàng chanh đã thành thương hiệu delay của CD Projekt Red khi liệu rằng Cyberpunk 2077 có thật sự tồn tại? Liệu con số 2077 trong cái tên là năm phát hành mới là hiện thực phũ phàng? May mắn thay là không.
Trong cái rủi có cái may nhưng đối với cơ số người chơi mà nói, cái sự may mắn này nó không đủ bù đắp cho vận xui của họ khi rước về cục lỗi nặng gần 60$ từ nhà phát triển, có lẽ đã chi trả tiền cast cho Keanu Reeves cũng như chi phí marketing còn nhiều hơn gấp vài lần chi phí sản xuất game.
Tất nhiên là đối với cộng đồng console thôi chứ game thủ PC vẫn sống ổn. Bởi hệ thống PC thì mạnh, trong khi console đời trước sắp rã đến nơi rồi mà còn quảng bá là tối ưu tốt thì thà refund để dành tiền mua indie chơi cho khớp cấu hình còn có lý hơn cục tạ AAA này.
Ở Cyberpunk 2077 vấn đề đồ họa và vấn đề bug/glitch là 2 cục lỗi nghiêm trọng lớn đến mức không thể xếp chung như những tựa game mình kể trên. Đồ họa Ray Tracing, DLSS hoạt động rất ổn trên PC, Night City về đêm dưới ánh đèn neon tráng lệ vô cùng chân thực, tất nhiên là PC tầm RTX 2070 mới mong đu nổi chứ với một chiếc console già cỗi như PS4, Xbox One thì nó không khác gì nỗi ác mộng, chạy xe vòng vòng thành phố tí thì crash thậm chí loading screen cũng gây thoát game đột ngột trên những chiếc console last gen này. Đồ họa lẫn hiệu ứng cắt giảm vô kể khi đem ra so sánh cùng trailer gameplay 48 phút bóng bẩy, tạo hình nhân vật quá phức tạp nặng nề đến mức như những hình nhân đất sét hay cả Johny Keanu Silverhand cũng bị downgrade đáng kể nhiều chi tiết. Hình tượng người đàn ông yêu chó khiến bạn không thở nổi trong E3 2019 giờ cứ trông như một tên nghiện ất ơ nào đó tại Night City vậy.
Đồ họa 1 phần nhưng bug/glitch cũng đến 8-9 phần, nhiều đến mức không thể liệt kê nổi. Ubisoft cắt xén đồ họa, Bethesda tráo trở ở khâu preorder thì CDPR đã ăn bớt của các gamer một lượng lớn nội dung tiềm năng. Nếu người dân của NC trong trailer E3 2018 di chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác từ tàu điện, xe bay không chỉ riêng xe cộ thông thường thì đám NPC đần độn Night City trong gameplay thực tế chỉ ngồi một cách thụ động trên những cỗ xe hơi nhàm chán ở khắp các nẻo đường. Nhà cao cửa rộng cũng chẳng để làm gì, chúng cũng chỉ như những khối bê tông khổng lồ, người chơi không có khả năng tương tác nếu không có nhiệm vụ liên quan. Nếu bạn nào đã chơi qua Ghostrunner thì cơ chế bay nhảy, leo tường như một nhẫn giả cũng đã bị CDPR loại bỏ không thương tiếc ra khỏi Cyberpunk 2077 bởi nó phức tạp hơn họ nghĩ. Cửa nẻo khắp chốn còn bị khóa, không mở một cách đơn giản hay hack được thì các ông còn đòi hỏi gì tới những kĩ năng trông có vẻ như Spiderman này?
Một cốt truyện nhiều cái kết đa dạng được mong chờ như The Witcher có lẽ vẫn không thể cứu vãn nổi Cyberpunk 2077 thoát khỏi hố sâu sự chỉ trích, bức xúc từ cộng đồng dành cho nó. 8 năm cho một quả lừa cay đắng đã được trông chờ như siêu phẩm thập kỷ thì liệu còn ai đứng ra che chở cho? Đập đi xây lại thì nghe có vẻ khó nhưng lời hứa thì sẽ như liệu pháp dễ chịu hơn nhiều mà nhà phát triển áp dụng, trấn an dư luận. Với cam kết chất lượng game sẽ dần cải thiện theo thời gian từ đồng sáng lập CDPR phát biểu vào tháng 1 vừa qua thì tính đến bản patch 1.21, họ đã sửa trên dưới gần 1000 lỗi hiện hữu trong Cyberpunk 2077.
Tuy nhiên chặng đường lấy lại lòng tin đã mất của người hâm mộ vẫn còn khá dài trước mắt. Việc tái cơ cấu tổ chức CDPR theo sau thất bại C2077 được cho là chiến lược hợp tình hợp lý, vừa sửa lỗi trên Cyberpunk 2077 vừa thực hiện The Witcher 4 với mong đợi không còn sai lầm tương tự nào mắc phải nữa. Chỉ mong là các ông đừng lừa dối cộng đồng đam mê game chúng tôi thêm bất kỳ một lần nào nữa là được.