So sánh tay cầm DualSense và Xbox Series: Chiếc tay cầm nào sẽ tốt hơn?
Trong khi cộng đồng người chơi đang vô cùng tò mò và phấn khởi so sánh về PlayStation 5 và Xbox Series X/S nhưng lại bỏ quên một thứ cần thiết và quan trọng đối với trải nghiệm chơi game của chúng ta, ấy chính là tay cầm!Được xem như là người bạn không thể thiếu trong mọi cuộc chơi của chúng ta. Bên cạnh sự khác biệt về máy console, các mẫu tay cầm cũng có nhiều điểm khác nhau từ vẻ ngoài cho đến tận thiết kế bên trong. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cái nhìn cận cảnh về tay cầm DualSense của nhà Sony và tay cầm Xbox Series từ Microsoft sau một thời gian dài sử dụng.
ĐIỂM KHÁC BIỆT
Thiết kế tổng thể
DualSense có thiết kế thay đổi đáng kể so với DualShock 4 với form bo tròn, lớn, cứng cáp hơn, chịu sự ảnh hưởng kha khá từ thiết kế tay cầm Xbox. Dường như Sony đã lắng nghe phản hồi của cộng đồng về kích thước bé, phần nắm ngắn, có phần gây cấn tay, tạo cảm giác khó chịu nếu sử dụng chiếc DualShock 4 trong thời gian dài.
Sự pha trộn hài hòa tone đen xen lẫn tổng thể màu trắng, biểu tượng màu xám trên các nút bấm chính cũng như D-Pad cùng dải led giờ đã được Sony tích hợp xung quanh phần TouchPad, DualSense giờ không chỉ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong mọi cuộc chơi mà đó còn là món trang sức đẹp đẽ cho góc giải trí.
Nếu ở DualSense là đột phá thiết kế so với đàn anh thì người đàn em của tay cầm Xbox Series lại không quá khác với anh mình (Xbox One) mà thực tế thì y như đúc một khuôn, nhưng nếu để ý kĩ thì tay cầm Xbox Series có phần nhỏ hơn, tuy vậy sự khác biệt này là không lớn.
Một sự thay đổi và bổ sung tính năng lớn nhất nữa có lẽ là nút Share tuy vậy khi xét về cấu trúc nút trên tay cầm Xbox Series thì không có gì mới vì trên mẫu tay cầm Elite thế hệ 1, 2 trước đó cũng đã xuất hiện một nút ở vị trí tương tự nhưng mang chức năng khác thay vì Share.Phần nắm ở cả 2 dòng tay cầm thế hệ mới đều được Sony và Microsoft bổ sung những chi tiết nhỏ li ti, tạo độ nhám cho phép bám tay tốt hơn, tránh mắc sai sót trong các cuộc giao tranh căng thẳng và nâng cao trải nghiệm người dùng. DualSense khá cầu kì khi được chạm khắc những biểu tượng iconic chính là các kí tự vuông, tròn, cộng, tam giác. Còn với tay cầm Xbox Series đơn giản hơn với những chấm nổi xếp đều, loại chi tiết này cũng được nhà Microsoft đưa lên cụm 4 nút Trigger nhưng kích thước lớn hơn.
Công nghệ tích hợp
Với giá giữa 2 mẫu tay cầm này cũng có sự khác biệt khi với DualSense sẽ có giá là 70$ và tay cầm cho Xbox Series là 60$.
Sony đã trang bị trên DualSense nhiều công nghệ tiên tiến để tăng cường cảm nhận giác quan, đưa người chơi nhập vai trong từng tựa game.
- Haptic Feedback - phản hồi rung.
- Touchpad thế hệ mới.
- Adaptive Triggers - trigger thích ứng từng tựa game.
- Motion Sensor - cảm biến chuyển động.
- Mic tích hợp - tập hợp tính năng mới ở chiếc tay cầm.
Nhờ đó khi sử dụng DualSense để chơi game, chúng ta có thể cảm nhận được sức nặng khi kéo cung, cảm giác giật kèm độ cứng khi bóp cò súng, và bạn cũng dễ dạng biết được tình trạng nhân vật đang chơi trên dải led, mọi công nghệ này đã phá bỏ giới hạn tương tác giữa người chơi và thế giới trong game. Nhưng về phần TouchPad ngoài việc thay đổi vẻ ngoài thì vẫn chưa có nhiều cải tiến dành cho người chơi và hy vọng rằng trong tương lai các nhà phát triển sẽ có thêm nhiều sự nâng cấp với TouchPad.
Về Mic và loa tích hợp được thiết kế ngay trên chiếc tay cầm khá tiện dụng khi chúng ta chơi cùng đồng đội trong các tựa co-op nhưng đôi khi nó cũng gây ra không ít phiền toái bởi chất lượng đàm thoại không tốt như mic được thiết kế riêng cho các loại Headset. Suy cho cùng tính đến hiện tại thì chỉ có Astro’s Playroom là tựa game duy nhất có thể tận dụng hầu hết mọi tính năng DualSense có mà thôi. Tính năng cảm biến chuyển động trên tay cầm nhà Sony sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa để các nhà phát triển có thể giúp DualSense trở nên được phổ biến như cách mà Nintendo Joy-Con đã rất thành công tính đến thời điểm hiện tại.
Về phần tay cầm Xbox Series, đây vẫn là chiếc tay cầm chỉ để chơi game mà thôi. Ngoài các chức năng trên các nút như cũ, nút Share chính giữa có lẽ là bổ sung lớn nhất, một nhấn để chụp, nhấn giữ để ghi lại khoảnh khắc chơi game và chia sẻ nhanh chóng lên các mạng xã hội.
Nút bấm
DualSense với nút bấm cụm D-Pad và các nút chính trên bề mặt được thiết kế đồng bộ 2 lớp. Lớp nhựa trắng được in lên đó các kí tự xám được bọc trong lớp nhựa trong suốt khá tương đồng với thiết kế nút ABXY trên tay Xbox. Có lẽ thiết kế này sẽ giúp cho các kí tự không bị phai mờ đi qua quá trình sử dụng, giữ được vẻ đẹp vốn có của chiếc tay cầm.
D-Pad trên tay cầm Xbox Series hiện tại đã cải tiến theo phong cách phủ tròn toàn bộ như dòng tay cầm Elite cho khả năng điều hướng đa dạng hơn trong các tựa game, đồng thời cảm giác bấm cũng tốt hơn rất nhiều.
Tuy D-Pad trên DualSense vẫn theo lối cũ 4 hướng nhưng không có nghĩa cảm giác bấm thua kém tay của Xbox. Thực tế 4 nút điều hướng này vẫn có liên kết khi được thiết kế trong cùng 1 khối, có thể di chuyển theo 8 góc tương tự như Xbox, chỉ là nhà Sony không thể hiện ra mà thôi.
Cảm giác bấm trên DualSense dường như nhẹ nhàng, không hẳn là không có độ nảy nhưng nếu so với tay cầm Xbox Series thì nó khá yên tĩnh và phù hợp trong các buổi chơi đêm. Nhưng về trải nghiệm chơi các tựa game có nhịp độ cao như đối kháng, hành động nhập vai thì chúng ta có thể thấy cảm giác mọi nút bấm chính trên tay cầm Xbox Series đều phát ra thứ âm thanh kiểu clicky, nghe sướng, đã tai hơn nhiều.
Ở phần cụm nút Trigger, cả Sony và Microsoft đều đáp ứng đúng như trải nghiệm các game thủ mong muốn ở giai đoạn này và cả tương lai. Đó là phản hồi nhanh, nhạy, kịp thời thao tác của họ cùng với cảm giác bấm chắc chắn, chân thực hơn.
Cấu hình 2 cỗ console từ 2 nhà giờ đã có thể tiệm cận sức mạnh chiến game chất lượng hình ảnh độ phân giải 4K, mức khung hình lên đến 120fps. Không chỉ tần số làm tươi màn hình, sức mạnh phần cứng tác động mà còn phải kể đến độ trễ phản hồi từ tay cầm. Sau khi test nhiều tựa game khác nhau, bạn sẽ dễ dàng nhận ra dù DualSense có hành trình Trigger lớn hơn tay cầm nhà Xbox nhưng chiếc tay cầm cho PS5 lại cho tốc độ phản hồi nhanh hơn khoảng 2 phần ngàn giây. Cả 2 chính là những chiếc tay cầm tối ưu, tốt nhất từng được tạo ra tính đến thời điểm hiện tại, được nghiên cứu, nâng cấp vô cùng kĩ lưỡng theo thời gian để mang đến trải nghiệm tốt nhất dành cho các gamer.
DualSense chính là thứ mang người chơi hòa mình vào thế giới trong game. Adaptive Trigger đã thực sự làm tốt khoảng này nhưng tay cầm Xbox Series vẫn có nét riêng khi làm phần Trigger nổi bật lên bởi những họa tiết khắc chìm nổi, thứ mà tay cầm Xbox One không có đã khiến kha khá các gamer nhiều lần tuột tay trong các cuộc giao tranh căng thẳng.
Pin
DualSense với phần pin gắn liền bên trong, sạc được thông qua cổng USB Type-C, thời gian sử dụng lên đến 16 tiếng trong 1 lần sạc đầy. Nhưng tay Xbox Series vẫn trung thành với khay pin rời, có thể sử dụng loại pin sạc được chính hãng Xbox hoặc pin AA, dùng hết thì thay mới. Ngoài ra tay cầm Xbox vẫn có thể không cần xài pin mà cắm trực tiếp vào thiết bị chơi game luôn thông qua cổng USB Type-C.
Tương thích
Với thế hệ console trước
Tương thích là yếu tố mà tay Xbox Series làm tốt hơn hẳn tay cầm DualSense. Trong khi tay cầm Xbox Series có thể kết nối hầu hết đời máy Xbox trước như Xbox One hay Xbox 360 thông qua dây hoặc Wireless thì DualSense hiện không thể kết nối với PS4 bằng bất cứ con đường nào. Mà kì lạ thay lại chiếc tay cầm đời thứ 5 nhà Sony có thể tương thích với PS3. Như một trò đùa!
Với PC:
Tay cầm Xbox Series dường như lợi thế hơn khoảng này. Bởi lý do:
- Thứ nhất, tay cầm Xbox Series có thể sử dụng chiếc usb adapter cây nhà lá vườn Xbox cho chất lượng đường truyền nhanh, ổn định, đồng bộ tốt hơn DualSense. Với tay cầm "chất lượng cao" khi kết nối PC sẽ cần 1 cái usb Bluetooth bên thứ 3 hoặc 1 cái bo mạch chủ của PC phải hỗ trợ Bluetooth thì mới kết nối được.
- Thứ hai, bởi là một sản phẩm trong hệ sinh thái Microsoft nên việc kết nối tay cầm Xbox Series dễ dàng hơn. Chỉ cần bắt sóng Bluetooth hay cắm dây thì chiếc tay cầm này đã có thể nhận ngay mọi tựa game hỗ trợ tay cầm trên Windows. Nhọc nhằn hơn về phía DualSense có vẻ khó khăn hơn xíu khi chúng ta phải cài đặt thêm phần mềm hỗ trợ hoặc phải thông qua Steam thì mới có thể nhận đầy đủ chức năng.
- Thứ ba, nhiều tựa game trên PC tối ưu tốt cho layout tay cầm Xbox Series hơn tay nhà Sony. Thực tế, đối với nhiều tựa game khi nhận tay cầm DualSense hay tay cầm Sony nói chung, nó đều hiện ra những kí tự ABXY, RT, LT, RB, LB thay vì kí tự vuông tròn tam giác cộng L1,2 R1,2,.... Nghe khá là rầu cho đội Sony.
ĐIỂM GIỐNG NHAU
Cả 2 chiếc tay cầm có chính xác số lượng nút, chức năng tương ứng gần như là giống nhau. Về các loại cổng kết nối thì trên cả 2 đều có chuẩn USB Type-c nâng cấp mới hơn từ Micro USB so với thế hệ trước để sạc cho tốc độ nhanh hơn hoặc khi cắm chơi trực tiếp giúp độ trễ phản hồi thấp hơn.
Ở cả trên tay cầm DualSense và Xbox Series đều có một jack cắm tai nghe, kế đó là cổng sạc dành cho dock. Nhưng sau một thời gian trải nghiệm đầy đủ thì có lẽ jack tai nghe này trở thành thứ vô dụng trên DualSense khi kết nối chiếc tay cầm Sony với PC.
TRẢI NGHIỆM MANG LẠI
DualSense và tay cầm Xbox Series đều tạo ra cho mình cảm giác chơi chân thực, bị cuốn trọn vào trong thế giới game của mình. Vấn đề cầm trên tay và sử dụng trong thời gian dài cũng vô cùng thoải mái, không hề cấn tay hay mỏi tay. Tất nhiên sẽ tùy thể loại game hay nền tảng mà mỗi tay cầm có thế mạnh riêng cho nên rất khó để chúng ta phân định tay cầm nào tốt hơn.
Sẽ thật sai sót khi bạn là fan của một bên và sẵn sàng đánh giá không tốt bên còn lại. Không phải một chiếc tay cầm nhiều công nghệ sẽ là món phụ kiện tốt hơn hay một chiếc tay cầm với mức giá dễ chịu hơn sẽ không tốt bằng.
Dù bạn là fan bên nào đi nữa hãy để cảm nhận thực tế quyết định chiếc tay cầm nào sẽ phù hợp nhất dành cho bản thân nếu các bạn muốn sở hữu một chiếc tay cầm chơi trên PC.