Đánh giá Cyberpunk 2077

Cyberpunk 2077 - bom tấn cuối năm thậm chí là cuối thập kỉ. Một sản phẩm được đầu tư rất nhiều chất xám và tốn không ít thời gian, tiền bạc từ nhà phát triển đến từ Ba Lan CD Projekt Red - Studio đã tạo dựng tên tuổi, chỗ đứng vững chắc làng game thế giới từ tựa The Witcher 3: Wild Hunt.

Kì vọng chờ đợi suốt 8 năm có thể đã được đền đáp xứng đáng với cơ số nhân nhưng bên cạnh đó vẫn có những nỗi thất vọng tràn trề khi tựa game này chính thức được cộng đồng đón nhận. Dù với màn ra mắt có phần cồng kềnh và vấp phải nhiều sự chỉ trích, nhưng phải công nhận rằng Cyberpunk 2077 đã làm tốt vai trò quảng bá khi mà chỉ trong 2 tuần đầu ra mắt, game đã có doanh số bán ra đáng kinh ngạc ~ 13 triệu bản. Hãy cùng HALO khám phá thế giới Cyberpunk trong bài viết đánh giá game Cyberpunk 2077 dưới đây nhé.

Đồ họa

Gạt đi những yếu tố cú lừa hoặc chưa xuất hiện trong game, ĐỒ HỌA là một điểm cộng rất lớn của Cyberpunk 2077, sự nâng cấp đáng kể khi so với trailer mà CD Projekt Red đã gửi đến cộng đồng vào năm 2018. Không như một hãng mà ai cũng biết là ai đó downgrade đồ họa từ năm này qua tháng nọ nhưng vẫn gắn cái mác game next-gen...

Đánh giá Cyberpunk 2077

Với niềm tin đã được xây dựng từ thương hiệu The Witcher 3: Wild Hunt, chuẩn mực đồ họa chân thực cho một tựa phiêu lưu hành động RPG thời bấy giờ, đây từng là thước đo để các gamer yêu cầu cửa hàng máy tính build cho mình một con máy đủ sức chiến mượt mà, đơn giản hơn đây chính là thước đo chung cho một tựa game bom tấn về mặt đồ họa. Chính vì vậy mà về môi trường từ các ngóc ngách, từng phố xá, ánh đèn neon từ các tòa nhà, các biển hiệu, cho đến các chi tiết trên từng vũ khí, chi tiết trên mỗi nhân vật từ cơ thể, trang phục, kiểu tóc, làn da, cảm xúc,... đều được CD Projekt Red làm cực kì chỉnh chu và thật!

Nếu chỉ khoác lên mình vỏ bọc hào nhoáng mà không xây dựng cốt lõi bên trong thì đó cũng chỉ là một thứ vô giá trị. Chính vì vậy những góc khuất ẩn sâu giữa những dãy nhà hay bên trong các tòa cao ốc đã được nhà phát triển tạo dựng xuất sắc đến từng chi tiết, thậm chí là cái lon, vỏ chai vứt dọc hành lang.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Không những vậy, theo xu hướng thời đại, công nghệ Ray Tracing cũng được áp vào Cyberpunk 2077. Tất nhiên đối với PC để tận hưởng được công nghệ này bạn sẽ cần dòng card RTX 2x hoặc 3x series, với người chơi console sẽ cần những cỗ máy tối tân nhất gần đây của Sony và Microsoft là PS5 và Xbox Series.

Bối cảnh và môi trường trong game

Nếu bạn nghĩ Cyberpunk 2077 là một tấm màn đen kịt, một xã hội tương lai loạn lạc, đen tối như Night City thì rất tiếc khi bạn chưa thật sự thông điệp mà hãng muốn truyền tải cho người chơi, đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Vẻ đẹp của Night City sẽ khiến bạn choáng ngợp và phấn khích tột cùng.

Xuyên suốt những nhiệm vụ cần làm trong game vẫn luôn có những khoảng lặng, những giây phút yên bình để người chơi có được cơ hội vi vu và khám phá dọc các con phố, nẻo đường. Bỏ qua vấn đề giật, lag, sụt fps, Cyberpunk 2077 là một hình mẫu, một cột mốc mới để các tựa game đi sau nên học hỏi trong cách tạo dựng đồ họa. Night City toàn cảnh một siêu đô thị nhộn nhịp với dòng người qua lại đông đúc cùng các dãy nhà chọc trời trông có vẻ bê tông, thô ráp ban ngày nhưng sẽ hoàn toàn lột xác trở nên vô cùng lộng lẫy hơn sau ánh đèn neon về đêm, nơi mà bạn có thể tìm thấy mọi thứ!

Đánh giá Cyberpunk 2077

Trong Cyberpunk ngoài tên gọi quen thuộc Night City bạn còn được ghé thăm Badlands, khác với sự hào nhoáng trong Night City thì đây là vùng đất khô cằn, trông có vẻ chán, đúng, thì bản chất nó là vậy mà. Nhưng Badlands lại không vô hồn như cách nó phô bày. Đây là nơi tập hợp những con người phóng khoáng, thẳng thắn, sẵn sàng xông pha, ra trận vì tình bằng hữu, anh em xóm làng. Một bộ mặt rộng mở với mọi tầng lớp trải rộng hàng cây số, trái ngược với không khí xô bồ, đầy áp lực ở phía chân trời xa xăm.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Có một yếu tố ít ai để ý chính là hiệu ứng film grain. Bản chất nhân vật chính chúng ta là một con người tương lai, được cấy ghép nhiều chi tiết máy móc lên cơ thể, trong đó có cả đôi mắt. Khác với đa phần các tựa game, từ góc nhìn của V, chúng ta sẽ có cảm giác một lớp phủ nhiễu nhẹ trong suốt quá trình làm mọi nhiệm vụ trong game. Nhiều lúc chơi Cyberpunk 2077 bạn sẽ những tưởng màn sắp hỏng tới nơi rồi á nhưng thực tế không phải vậy đâu :)))

Đừng để những trailer có nhịp độ cao kèm thứ âm nhạc mang tính dồn dập, gây cấn áp đặt vào suy nghĩ của bạn rằng đây là một tựa thuần hành động bắn súng góc nhìn thứ nhất. Mà thực tế thì ngay cả bản thân mình đến với Cyberpunk 2077 một phần cũng vì sức hút quá lớn từ video Tools of Destruction - trailer giới thiệu hệ thống vũ khí đa dạng trong game. Nói gì thì nói, đội ngũ Truyền thông chim đỏ đã làm rất tốt trong khoảng mê hoặc những đứa có chung đam mê vác vũ khí đi cà khịa khắp phố phường như mình. (mặc dù AI không thông minh cho lắm). Nhưng Cyberpunk 2077 còn hơn cả một tựa bắn súng rất nhiều.

Cyberpunk 2077 từng có mác RPG

Cyberpunk 2077, siêu phẩm đã hội tụ đầy đủ phẩm chất một tựa RPG: từ tùy chọn diện mạo, giới tính nhân vật, lựa chọn ảnh hưởng, xây dựng cốt truyện, tùy chọn nâng cấp phong cách chiến đấu, nâng cấp vũ khí,... Sở dĩ mình đề cập đến chi tiết này vì hãng game từ Ba Lan đã loại bỏ tag RPG không rõ lí do trên hầu hết các tài khoản mạng xã hội của họ. Hiện tag này chỉ còn xuất hiện phần nội dung mô tả kết quả tìm kiếm google mà thôi, khi ấn vào web thì thông tin này cũng đã được edit mất đi cụm RPG.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Công thức dẫn lối người chơi song hành cốt truyện, nắm nó trong lòng bàn tay từ 2 nhân vật chính - chính phụ có lẽ không còn quá mới mẻ. Bởi nó đã xuất hiện trên người đàn anh The Witcher 3: Wild Hunt hay điển hình một dòng game không liên quan khác là Assassin's Creed. Bàn về lối dẫn chuyện của The Witcher 3: Wild Hunt hay dòng Assassin's Creed thì từ hành động, cách khai thác, giải quyết sự việc trong những phân cảnh xoay vòng, nó dường như chuyển biến theo một chiều. Nghĩa là bạn trong vai nhân vật CHÍNH, trở về quá khứ hóa thân vào nhân vật CHÍNH PHỤ giải quyết vấn đề nào đó theo một cách tuyến tính, sau khi hoàn thành, bạn quay lại hiện tại để đón nhận thành quả hoặc kết cục hay là bạn được nghe kể lại thông qua một bên thứ 3.

SAY GAME

Ưu điểm

Không phải là tựa game chỉ có 1 cái kết!

Cốt lõi các tựa game nhà CD Projekt Red nói chung cũng như Cyberpunk 2077 nói riêng xuất phát phần lớn từ yếu tố quan trọng đó chính là cách kể chuyện trong hầu hết các nhiệm vụ chính lẫn phụ. Do đó, yếu tố đối thoại để dẫn dắt người chơi tháo gỡ và đóng nút thắt trong mỗi nhiệm vụ luôn chiếm kha khá thời lượng chơi game, ngắn thì vài phút, dài thì có khi tận nửa tiếng đồng hồ chỉ để nói, nói, nói, lựa chọn hành động và nói... Nhưng qua các cuộc trao đổi, bạn mới có thể hiểu được tường tận gốc rễ về thứ đã khởi phát nhiệm vụ mình đang thực hiện.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Không phải ngẫu nhiên mà yếu tố tùy chọn hướng đi của nhân vật dẫn đến nhiều cái kết khác nhau đã làm nên thương hiệu The Witcher 3: Wild Hunt khiến hãng game Ba Lan vẫn duy trì nó trên tựa game mới nhất của mình. Cái kết bất ngờ không chỉ khó đoán trước mà đôi khi thực sự còn khó lường. Nhiều lúc chúng ta cố để chọn một câu trả lời, cách giải quyết tử tế nhất có thể nhưng lại tạo cái kết vô hậu. Dù vậy yếu tố lựa chọn này trong phần intro, hướng dẫn chơi game không được đề cao cho lắm, diễn biến vụ việc diễn ra có phần tuyến tính, dù có nhiều kết khác nhau như thế nào thì vẫn bị áp đặt trong khuôn khổ đã định của nhà phát triển.

Cách xây dựng tình tiết khác lạ

Nếu bạn chơi game của CD Projekt Red mà chỉ chăm chú thực hiện nhiệm vụ chính sẽ là thiếu sót rất lớn. Khác biệt so với các nhà phát triển việc đưa nhiệm vụ phụ vào game chỉ để làm nền, lấp các khoảng trống mà người chơi thấy thiếu như vật phẩm, tiền, nguyên liệu nâng cấp, hay vũ khí, thì ở Cyberpunk 2077 như người anh tiền nhiệm The Witcher 3: Wild Hunt. Các câu thoại trong game, cách mà bạn giải quyết một vấn đề sẽ dẫn bạn đến những vấn đề cần phải khai thác khác, thậm chí có tác động mạnh mẽ đến mạch truyện chính.

Sức ảnh hưởng sâu sắc trong Underworld - Thế giới ngầm ở Night City gọi là Street Credits - một loại chỉ số sẽ được xây dựng, nâng cấp level dần khi bạn hoàn thành loạt nhiệm vụ chính cũng như phụ. Street Credits không chỉ là thứ bạn dùng để tậu những vật phẩm không thể mua bằng loại tiền tệ thông thường, đây còn là yếu tố tác động đến hành trình mở khóa các Side Quest hay GIG. Nhắc đến đây, mình nhận ra một cách kể chuyện, khám phá các nhiệm vụ phụ rất mới, rất riêng của Cyberpunk 2077, ngay cả The Witcher 3: Wild Hunt cũng chưa từng sở hữu phương thức này.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Trong phần đa các tựa RPG mình trải nghiệm gần đây, muốn nhận một nhiệm vụ phụ nào đó người chơi phải tới gặp tận mặt các NPC có nhu cầu để thăm hỏi vài câu rồi mới bắt đầu sau đó. Hoặc là người chơi sẽ nhận trực tiếp trên các bảng thông báo đặt trong các tụ điểm đông đúc. Cyberpunk 2077 thì khác, Street Credits bạn càng cao, tiếng tăm bạn càng lớn, giới giang hồ liên hệ bạn càng nhiều. Do vậy, chỉ việc lái xe dạo quanh Night City, lạc vào lãnh địa anh này thì bạn sẽ được tay cộm cán khác liên hệ qua điện thoại để giao hợp đồng. Cứ thế sau chuyến phượt vài chục cây số, bạn sẽ có một danh sách các nhiệm vụ phụ cần giải quyết, nhưng nó không sẽ dài thêm được nữa đâu nếu những phi vụ cũ còn dang dở, đóng vai trò một mắt xích quan trọng chưa hoàn thành.

Xây dựng nhân vật/NPC

Ở Night City, bạn có thể là người được nhiều người biết hoặc không là bất kì ai cả nếu không chịu khó cày cuốc các nhiệm vụ. Trong thế giới này, tiền và đặc biệt cái tiếng sẽ giúp bạn đi xa hơn bạn nghĩ. Qua từng nhiệm vụ, ảnh hưởng của bạn ở Night City lớn dần, mối quan hệ bạn có được càng rộng mở, bạn sẽ mang về cho mình những người đồng đội chí cốt, đáng tin cậy, hay đơn giản hơn là một người tình chấp nhận nguy hiểm, đồng hành cùng bạn trong những khó khăn sắp tới. Mỗi cá nhân đều mang tính cách, lí tưởng riêng do vậy người chơi rất cần sự tinh tế để có lựa chọn câu thoại, hành động phù hợp trong từng tình huống, không làm mích lòng nhau. Dù câu chuyện chính có bị tác động và rẽ theo nhiều hướng khác nhau như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ tìm được ý nghĩa riêng, một chân lí sống của nhân vật chính lẫn các NPC từng nhánh.

Trong Cyberpunk 2077, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác biến đổi giữa 2 nhân vật có tích cách khác nhau là VJohnny, lối dẫn dụ 2 góc nhìn này đã được CD Projekt Red nâng lên một tầm cao mới. Phần lớn thời gian bạn sẽ là nhân vật V, sau một nhiệm vụ bạn bỗng chốc tỉnh dậy trong thân xác của rocker nổi loạn tên là Johnny Silverhand từ quá khứ của hơn 50 năm trước. Nhân vật được tạo dựng nguyên bản từ diễn viên Keanu Reeves. Và có những lúc ở thực tại 2077, tâm trí, suy nghĩ của Johnny Silverhand chiếm mọi quyền kiểm soát cơ thể của V. Sử dụng nhân vật chính của chúng ta như loại công cụ thực hiện nhiệm vụ. V và Johnny, Johnny và V, tuy 2 mà lại là 1, nhờ vậy mà người chơi có được trải nghiệm đồng thời cả 2 tính cách trên 1 con người, để đồng cảm, để hiểu rõ nhau hơn từ đó đưa ra những quyết định có lợi đôi bên. Các bạn hãy tự trải nghiệm và tạo riêng cho mình con đường phát triển trong Cyberpunk 2077 để hiểu rõ hơn về game nhé.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Các dạng kĩ năng chiến đấu

Các tụ điểm ngầm Night City hay vùng Badlands đều là nơi lí tưởng để bạn trau dồi kĩ năng, phong cách chiến đấu. Người chơi có thể lựa chọn cho mình bộ kĩ năng cần thiết sinh tồn trong thế giới đầy dẫy loạn lạc, súng đạn triền miên như mưa.

Bạn có thể xây dựng nhánh kĩ năng trở thành tin tặc như một Netrunner, hay máu chó thích xông pha thì lựa nhánh tấn công trực diện hoặc bạn sẽ cân nhắc nhánh lén lút nếu thích sự âm thầm, lặng lẽ như các sát thủ. Y như câu nói “ Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” để nhắc nhở chúng ta những nhánh không cần thiết thì nâng sơ, vừa đủ dùng là ổn rồi các bạn, không cần đều đâu. Mạnh tấn công trực diện nhưng thọt hack cũng không sao, đường nào rồi cũng đổ máu thôi.

Hệ thống kho vũ khí - điểm cộng cực kì lớn cho Cyberpunk 2077

Từ khi CD Projekt Red tạo độ hype từ hành động tiết lộ hệ thống công cụ hủy diệt trong trailer Tools of Destruction. Khi đã được tận tay trải nghiệm kho vũ khí rồi bạn mới cảm nhận được thực tế còn phê hơn trailer rất rất nhiều lần.

Các loại súng thông thường tương tự như ở thế giới chúng ta đang sống, súng sử dụng công nghệ cao, súng thông minh có khả năng phát hiện mục tiêu, các loại hình vũ khí cận chiến, hệ thống cyberware cấy ghép trực tiếp lên cơ thể,... Xem kho vũ khí đồ sộ của Cyberpunk 2077 tại đây!

Mỗi loại vũ khí đều có ưu nhược điểm riêng, phù hợp với từng loại kẻ địch, địa hình khác nhau. Nhưng sau khi hoàn thành một nhánh truyện chính rồi, mình nhận ra, hàng tech sẽ mạnh nếu kẻ địch của bạn thụ động, chỉ biết chơi trốn tìm, hàng thông minh sẽ hiệu quả chỉ khi bạn nâng cấp lượng dps của nó bằng các mod vật phẩm vũ khí gắn trong. Loại thường, những khẩu súng truyền thống theo mình là dễ sử dụng, hiệu quả nhất trong hầu hết tình huống, không khiến bạn phải nâng cấp nội tại định vị trên tay mới có thể tự động ghim đầu đối phương. Tuy nhiên đó là quan điểm của mình, còn đây là game bạn có thể tự do trải nghiệm biết đâu bạn sẽ khám phá được điều gì mà chúng mình bỏ lỡ chăng?

Đánh giá Cyberpunk 2077

Phương tiện

Phương tiện là yếu tố không thể thiếu trong các dòng nhập vai hiện đại. Night City không quá rộng lớn nhưng bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể khám phá hầu hết mọi ngóc ngách. Chính vì thế, hệ thống phương tiện di chuyển, đôi khi nó là công cụ, và có những lúc là người bạn đồng hành vô cùng đáng tin cậy.

Đối với mình, các dòng moto chính là người bạn dễ thuần hóa và dễ sử dụng nhất trong Night City, nơi đất chật người đông. Sẽ rất khổ sở nếu chúng ta làm nhiệm vụ cứ gặp đèn đỏ tại các nút giao hay việc điều khiển những chiếc xe 4 bánh không cẩn thận thì rất có thể gây tai nạn chết người. Khi số người đi đường qua đời do hành động không làm chủ tốc độ chúng ta nhiều lên theo thời gian (khoảng 1-2 vụ trở lên trong 5 phút), Night CityPD - tổ chức cảnh sát Night City sẽ phát cảnh báo, bạn sẽ vào danh sách đen của họ. Đến lúc này thì bạn tự mà tìm cách thoát thân mà thôi.

Đánh giá Cyberpunk 2077

Ngoài những chiếc moto hay các loại ô tô 4 bánh. Nhân vật V của chúng ta còn có thể được điều khiển một loại phương tiện mang tên Basilisk. Một thứ vũ khí chết chóc từ tập đoàn Militech. Tuy nhiên con khủng long này không phải tự do muốn lái là được, đây là thứ phương tiện chỉ mặc định xuất hiện trong một số nhiệm vụ mà thôi.

Âm nhạc

Một tác phẩm game không chỉ có cốt truyện, diễn biến tâm lí, cảm xúc nhân vật mà đó còn là những đoạn nhạc được lồng ghép xuyên suốt, thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh nhân vật tương ứng.

Lúc xem các trailer Cyberpunk 2077 mình cứ ngỡ đây sẽ là câu chuyện mang nặng tính hành động bạo lực với bản nhạc nền mạnh, có phần lộn xộn với nhịp điệu dồn dập. Nhưng nó chỉ đúng trong những phân cảnh giao tranh máu lửa, trong những khoảnh khắc định đoạt số phận của V và phe địch qua các phát súng, đòn kết liễu. Thứ âm nhạc này sẽ khiến những người không hợp gu cảm thấy khó chịu, chỉ muốn vặn nhỏ âm lượng xuống thấp nhất.

Tuy nhiên vẫn có những khoảng lặng trong cuộc hành trình của V, nơi người chơi có thể tìm thấy sự yên bình từ các bản nhạc. Nó có thể làm nền trong các bối cảnh đối thoại lãng mạn hay hòa vào những cuộc trò chuyện giữa các anh em trong băng nhóm với nhau.

Hay đôi khi, V của chúng ta chỉ một mình lướt quanh thế giới Cyberpunk, khi đó những bản nhạc đa dạng thể loại sẽ được phát thông qua chiếc radio gắn sẵn trên xe. Bởi Night City là thành phố tập hợp các cư dân tự do đa văn hóa, chủng tộc thành ra danh sách nhạc chúng ta có cũng đa dạng không kém: từ rock, jazz, pop, latin cho đến những thể loại được thể hiện qua các ca sĩ Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc,...

Nhược Điểm

Thời lượng cốt truyện

Cyberpunk 2077 là một vùng trời độ dày, chiều rộng lẫn chiều sâu cốt truyện cả con đường chính lẫn các nhánh phụ. Nhưng về độ dài cốt truyện chính thì nó không thực sự nhiều để khiến mình cảm thấy chừng đó là đủ. Có lẽ chính những phản hồi của người chơi từ The Witcher 3: Wild Hunt đã góp ý với studio về độ dài của game, khiến họ chơi hoài không hết, đâm ra lạc lối, không biết khi nào nó sẽ kết thúc với một kết cục sau đó như thế nào. Với một con game được kì vọng nặng tính cốt truyện như Cyberpunk 2077 thì thời lượng để mình kết thúc nó ngắn hơn so với suy nghĩ là thứ khiến mình khá hụt hẫng.

Tối ưu

Cyberpunk 2077 về đồ họa đẹp, và chỉ mượt, tốc độ khung hình chạy ổn định 50-60fps trong những không gian vắng tanh, khi dân cư đã vào nhà tắt đèn đi ngủ hay ngoài vùng đất Badlands cằn cỗi. Ác mộng thực sự sẽ ập đến người chơi khi bạn hòa mình vào dòng người đi bộ trên các con phố, dẫn đến tình trạng lượng fps sụt giảm trầm trọng, tạo cảm giác chán nản, đối với mình điều đó còn gây choáng nhẹ, đau đầu nữa. Sụt fps ở một môi trường NPC đông đúc có lẽ tạm chấp nhận được vì GPU phải xử lí kha khá số lượng vật thể cùng chuyển động trên một phạm vi nhỏ cơ mà. Tuy vậy, tình trạng sụt giảm fps này cũng gây khó chịu ít nhiều cho người chơi.

Bug

Không chỉ bug vật thể: từ những chiếc xe bỗng dưng biến mất bên dưới lớp đất hay trồi lên đột ngột, người ngồi lái phụ bị chạm trần và có bộ phận nhô ra khỏi xe trông rất dị hay nhiều lỗi bug liên quan đến các loại vật thể khác thì mình chưa gặp nhưng tình trạng bug nhiệm vụ thì cũng xảy ra. Có thể nhiệm vụ sẽ yêu cầu bạn đến gặp NPC kia để chốt đơn, mở cánh cửa nọ để hoàn thành nhưng với tình trạng bug, bạn vẫn không thể hoàn thành ngay được, để fix được đối với một số ít bạn phải lưu ngay giai đoạn chơi đó, load lại file save tận vài lần thì mới ổn thỏa được. Bên cạnh đó vẫn còn sót lại kha khá những thứ khác mà mình vẫn đang chờ CD Projekt Red tiếp tục vá trong những bản update kế tiếp.

Đánh giá Cyberpunk 2077

NPC hơi... ngu

Mình dám khẳng định một điều, ở Night City các AI tích hợp sẵn vào các loại súng tự động phòng vệ quét hồng ngoại còn thông minh hơn hầu hết những NPC suốt ngày đi bộ dưới phố. Mọi phản ứng đáp trả lại người chơi cực kì máy móc, vô hồn. Dù cho bạn chỉ chạy nhanh quá mức, vô tình đụng mạnh vô một ai đó, nó cũng sẽ phản ứng tương tự như cách bạn dí súng vào mặt vậy.

Cảnh sát Night City cũng phản ứng chậm với các hành vi phạm pháp của chúng ta. Việc chúng ta xách súng nhắm ngay trước mặt cũng khiến các cán bộ phải mất một khoảng thời gian load não một lúc rồi mới đưa ra lời đe dọa, phản kháng lại.

Cảm giác bị gò bó trong 1 thế giới mở (không/thời gian)

Cyberpunk 2077 là một tựa game thế giới mở nhưng từ hành động bạn tương tác với Night City là thứ gì đó còn quá bị gò bó. Người chơi chỉ có thể bắn vỡ đèn hay cùng lắm là làm nổ tung một chiếc xe. Những mảng kính, mảng tường của Night City dường như được thiết kế chống mọi tác động bên ngoài, mình đã không cách nào phá nó cho vui được.

Nhiều địa điểm trong bị khóa trái cửa, ngăn không cho chúng ta bước vào loot tiền hay vật phẩm. Ngay cả kĩ năng hack vào hệ thống được vận dụng rất hoàn hảo trong các cuộc tấn công sào huyệt địch cũng khó mà xuyên thủng được hệ thống cửa vô cùng xịn sò này.

Một vài yếu tố chưa được đào sâu, Xây dựng chưa tới, Thiếu sót so với trailer

Không phải tự dưng mà đứa con nhà CD Projekt Red được dân tình gọi là Cyberdelay hay Cyberbug 2077. Chính vì nguyên do lục đục nội bộ làm game delay tí thì quá tam chỉ trong 1 năm, một nùi bug trên mọi nền tảng từ lúc ra mắt, khiến đội ngũ sản xuất lập trình game đã cắt giảm rất nhiều chi tiết mà đáng ra sẽ xuất hiện trong game.

Ở trong nhiều trailer giới thiệu, kha khá những cắt cảnh V di chuyển trên một chuyến tàu điện công cộng, hay một chiếc xe bay lượn khắp con phố. Đúng là trong game, người chơi vẫn thường xuyên bắt gặp những cỗ xe bay hệt như quảng cáo, nhưng chơi biết bao nhiêu giờ rồi mới nhận ra, trong số cực kì ít các nhiệm vụ chúng ta mới có thể ngắm nhìn Night City từ trên cao. Dù vậy, bản thân chúng ta vẫn không được tự cầm lái con xế này được. Còn tàu điện, dường như là thứ phương tiện tốn khá nhiều tiền của Night City rốt cuộc cũng chỉ là vài chục cây số đường sắt bỏ không mà thôi.

Đánh giá Cyberpunk 2077

CYBERPUNK 2077
TƯỢNG ĐÀI QUÁ LỚN ĐỂ CÓ THỂ SỤP ĐỔ

Với hơn 13 triệu bản được hãng game công bố bán được tính đến lúc này, Cyberpunk 2077 chắc chắn đã đang và sẽ tiếp tục nắm giữ thêm nhiều thành tựu quan trọng, ý nghĩa hơn trong thời gian tới. Cho dù niềm tin từ cộng đồng console thế hệ cũ có bị suy giảm, tác động đến danh tiếng mà CD Projekt Red đã gây dựng trong suốt chiều dài lịch sử thì hãng game vẫn đang tích cực bù đắp nó qua các phiên bản vá lỗi, tăng cường chất lượng hơn cho đứa con của mình. Mình tin rằng, với lòng nhiệt huyết mà đội ngũ studio Ba Lan đặt trọn vào The Witcher 3: Wild Hunt còn nhiều hơn cả Cyberpunk 2077, trong tương lai không xa, nhiều nhất là sau thời điểm này 1 năm sau, người chơi sẽ cảm nhận được câu chuyện của V ở Night City đầy đủ, trọn vẹn, hoàn hảo hơn rất nhiều. Cho nên đừng vì giai đoạn khó khăn ban đầu mà từ bỏ đi best game này nhé!

Đánh giá Cyberpunk 2077

Không phải bỗng nhiên số lượng pre-order vượt mốc 8 triệu bản mà cái gì cũng có nguyên do của nó, Cyberpunk 2077 dù mở đầu hơi gian nan xíu nhưng nó vô cùng xứng đáng với những giờ phút bạn bỏ ra để khám phá từng chi tiết trong game, những khi bạn chơi lại tựa game này nhiều lần theo nhiều cách mở, kết khác nhau, nếu nói chơi 1 lần là đủ thì đó là nói suông mất rồi.

Con người vốn dĩ đã sống trong một thế giới đã không hoàn hảo thì tại sao lại luôn muốn sản phẩm do chính con người làm ra phải hoàn hảo.

Cyberpunk 2077, một sản phẩm chưa hoàn thiện bởi deadline không thống nhất, bất đồng nội bộ, nhưng họ có lí do. Lí do lớn nhất chính là đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo cả toàn thế giới, một năm 2020 không hề trọn vẹn như chúng ta đã nghĩ. Giai đoạn cuối trước khi tung ra sản phẩm luôn là khoảng thời gian vô cùng áp lực, mình nghĩ rằng hãy cho họ thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện Cyberpunk 2077 trong các bản vá lỗi kế tiếp. Hãy là một game thủ chân chính, đừng mù quáng, chưa trải nghiệm hay thậm chí bạn còn chưa mua mà lại a dua đánh đồng theo suy nghĩ tiêu cực của những cá nhân trên mạng rồi xem đó là của bản thân.

Điểm đánh giá

Về phía mình, sau khi đã trải nghiệm hơn 1 tuần với Cyberpunk 2077, mình đánh giá cao sự tỉ mỉ trong nhân vật, cảm xúc và khắc họa của họ, cốt truyện có chiều sâu, với những người chơi nửa vời thì sẽ có kết thúc khác với những người chịu tìm tòi khám phá. Cyberpunk 2077 xứng đáng nhận số điểm đánh giá là 9.0/10. Một điểm còn lại mình sẽ để dành cho các bản vá lỗi, bổ sung sắp tới từ nhà CD Projekt Red.

Đánh giá Cyberpunk 2077