Đánh giá game Devotion: Bất hạnh của một gia đình xuất phát từ đâu?
Devotion là một game kinh dị không có jumpscare quá nhiều nhưng vẫn để lại nhiều sự trầm tư trong mỗi chúng ta, với lối game theo kiểu kể chuyện thông qua các mảnh ký ức rời rạc và sự kiện rải rác tại nhiều mốc thời gian khác nhau. Chính vì vậy sẽ có nhiều chỗ người chơi khó hiểu, đôi lúc còn thấy dư thừa, nhưng Devotion là một bức tranh toàn diện, bạn cần nhìn nhận từ nhiều phía, xen lẫn chút kiến thức thần học dân gian thì mới có thể hiểu và thấm được tựa game này. Vì là kết mở nên sẽ có nhiều góc nhìn và cảm nhận khác nhau, có thể là kết buồn đầy bi thảm, nhưng cũng có thể là cái kết đầy niềm vui và hi vọng. Bài đánh giá dưới đây sẽ như một chìa khóa khác dẫn bạn đến gần hơn với tựa game đầy tính nhân văn Devotion!
Bi kịch của một gia đình đã từng hạnh phúc, của một người cha yêu thương con hết lòng nhưng lại không biết làm như thế nào cho đúng cách, để rồi từ đó dẫn đến một cái kết đau lòng. Đó là những gì xảy ra trong Devotion, một tựa game không chỉ dừng lại ở việc chơi, mà còn là cảm giác thương xót, đồng cảm và nuối tiếc.
VỀ DEVOTION
Được phát triển bởi Red Candle Games, tuy chỉ là một studio làm game độc lập nhưng những sản phẩm họ mang lại luôn đạt chất lượng và hiệu ứng rất tốt. Devotion được ra mắt vào ngày 19/02/2019, đáng tiếc thay hiện tại game đã bị gỡ bỏ khỏi tất cả các nền tảng vì vài lý do.
Lấy bối cảnh tại Đài Loan vào những năm 1980, Devotion (hay gọi theo nghĩa tiếng việt là Sự Thành Tâm) kể về những sự kiện xoay quanh 3 nhân vật: Đỗ Phong Vu, Củng Lệ Phương và Đỗ Mỹ Tâm, đây là một gia đình đầy ước mơ hoài bão đang sống tại một căn hộ nhỏ trong khu chung cư ở Đài Bắc.
Devotion đơn giản là một game kinh dị tuyến tính, gameplay không quá đặc sắc, thế nhưng nổi bật trong game chính là việc nhà phát triển đã thành công trong sự truyền tải văn hoá, truyền tải một câu chuyện đầy đau lòng mà khiến ai ai trong chúng ta sau khi chơi xong đều phải suy nghĩ về nó rất nhiều.
TÓM TẮT CỐT TRUYỆN
Vào những năm đầu của thập niên 70, Đỗ Phong Vu là một nhà biên kịch trẻ đầy tài năng với nhiều lối viết mới lạ, đoạt được rất nhiều giải thưởng lớn lúc bấy giờ. Đây cũng là giai đoạn khởi sắc trong sự nghiệp của ông Vu. Cuộc sống của ông càng đẹp hơn nữa khi kết hôn với Củng Lệ Phương, bà là một minh tinh kiêm ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ.
Đến năm 1975, cả hai có với nhau một cô con gái xinh đẹp tên là Đỗ Mỹ Tâm. Cả ba người chung sống trong căn hộ nhỏ tại khu chung cư, bà Phương từ khi lập gia đình cũng đã từ bỏ sự nghiệp ca hát, diễn xuất của mình để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, chu toàn trách nhiệm của một người vợ, giống như những gì mà định kiến của xã hội lúc bấy giờ đã áp đặt lên cuộc đời một người phụ nữ đã có chồng.
Vì vậy, ông Vu là trụ cột chính trong gia đình, một mình ông phải lo tài chính để có thể nuôi sống 3 miệng ăn. Cho nên tần suất làm việc của ông Vu cũng nhiều hơn, ông luôn vùi đầu vào mớ kịch bản của mình. Thế nhưng "cố quá thì quá cố", vì quá căng thẳng và mất đi chất tự do sáng tạo nên kịch bản càng lúc càng đi xuống, lượng nhiều nhưng chất thì không bao nhiêu, việc bán kịch bản cũng đi vào ngõ cụt vì đạo diễn cũng thèm quan tâm mớ giấy đó vì sự nghèo nàn, nhàm chán. Chính điều này càng làm cho ông Vu thêm áp lực với chi tiêu gia đình.
Bà Phương, vợ ông Vu vì thương ông và lo lắng cho gia đình, đã ngỏ ý với chồng về việc sẽ quay trở lại sự nghiệp diễn xuất để phần nào phụ giúp tài chính trong nhà. Nhưng, bản tính gia trưởng của một người đàn ông lại nổi lên, ông Vu không cho vợ mình quay trở lại nghiệp diễn, mà còn cay nghiệt hơn khi đỉnh điểm là lúc ông cắt nát tươm bộ váy đỏ sườn xám của bà, biểu tượng thiêng liêng của minh tinh một thời. (Không ai có thể hại bạn, bạn chết chỉ vì tính sĩ diện của chính bạn).
Với sự cầm cự ngày qua ngày, bẵng đi một thời gian, con gái ông Vu - Đỗ Mỹ Tâm cũng lớn hơn nhiều, cô bé lúc này có ước mơ sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng như mẹ mình trước đây, được biểu diễn trên sân khấu rực đèn và được có mặt trên các trang bìa tạp chí. Không chỉ là ước mơ, Mỹ Tâm thật sự thừa hưởng khả năng ca hát từ mẹ, cô gái nhỏ của chúng ta đàn hát rất hay trong sinh nhật của ba mình. Và khỏi phải nói, gia đình rất tự hào về Mỹ Tâm, bản thân ông Vu cũng đặt kỳ vọng vào con gái của mình, mong con sau này sẽ trở thành ca sĩ nổi tiếng khắp đất nước. Chính vì vậy Phong Vu lại tiếp tục đầu tư tiền bạc vào Mỹ Tâm, thậm chí không cho cô bé tham gia buổi dã ngoại được trường tổ chức để có thể toàn tâm học nhạc, nhưng việc này đã khiến cho Mỹ Tâm rất buồn khi không được đi chơi với lớp và phát sinh nhiều vấn đề về sau.
Tài chính gia đình càng lúc càng đi xuống do ông Vu càng ngày càng không bán được kịch bản nào, tần suất cãi nhau của hai vợ chồng cũng diễn ra nhiều hơn, ông Vu luôn đâm đầu vào việc viết kịch bản mà không mảy may quan tâm đến con gái mình, tất cả những điều này cùng xảy ra khiến cho Mỹ Tâm ngày một sinh tâm bệnh, dần dần cô con gái của họ đã mắc phải chứng rối loạn thần kinh mà người chơi chúng ta có thể thấy được qua những lần Mỹ Tâm khó thở, mất bình tĩnh và ngất xỉu đột ngột.
Sau lần ngất xỉu tại lớp, gia đình có đưa cô bé đến bệnh viện để khám, kết quả cho thấy thể chất của Mỹ Tâm hoàn toàn bình thường, bác sĩ khuyên gia đình nên đưa Mỹ Tâm đến khoa thần kinh để chẩn đoán xem sao. Cầm trên tay giấy báo khám của bác sĩ, Phong Vu tức giận vì cho rằng bác sĩ bảo con mình bị điên, cộng thêm áp lực của đồng tiền khiến cho người cha này càng bối rối, ổng chỉ biết liên tục vùi mình vào đống kịch bản với hi vọng có thể vượt qua và kiếm thêm chút ít để trang trải cho gia đình nhỏ này.
Về phần Mỹ Tâm, cô bé phải uống, phải tiêm rất nhiều thuốc vào người, ông Vu cũng luôn hứa với con mình rằng nếu con ngoan ngoãn uống thuốc thì ông sẽ dẫn cô ra ngoài chơi. Những lời ông Vu nói như con dao gắm vào trí óc Mỹ Tâm vậy, cô bé uống thuốc với hi vọng nhỏ nhoi là được đi chơi vui vẻ cùng cha mẹ mình, thế nhưng sự bận rộn của ông Vu, sự bất hoà giữa 2 vợ chồng đã liên tục gây ra nhiều lần thất hứa với Mỹ Tâm. Tức giận vì nghĩ rằng cha lừa mình, nghĩ rằng mình bị bỏ mặc trong gia đình, Mỹ Tâm đã thôi không uống thuốc nữa mà ra sức đổ hết đống thuốc vào bể cá trong nhà, cũng là cảnh con cá Ngân Long chết thảm cùng đống thuốc mà chúng ta đã chứng kiến trong game.
Người hứa chẳng nhớ mình nói gì,
người nghe thì nhớ mãi không quên...
Dù vậy cả gia đình vẫn rất lo lắng về bệnh tình của cô con gái Mỹ Tâm, biết rằng để con phải ngày ngày làm bạn với thuốc là điều không tốt, nên ông Vu quyết định dừng việc tiêm thuốc cho cô bé, thông qua phân đoạn người chơi rút kim tiêm ra người con búp bê sứ, đại diện cho Mỹ Tâm. Thay vào đó ông Vu đã đọc cho Mỹ Tâm một câu chuyện cổ tích về hoa tulip, bé gái trong câu chuyện đã đi tìm bông hoa quý này để chữa bệnh cho cha cô. Mỹ Tâm rất thích câu chuyện này, cô bé thích luôn cả loài hoa tulip, đối với Mỹ Tâm đây như là biểu tượng của tình cha con, và nếu có hoa tulip trong tay, cô nghĩ cô sẽ khỏi được bệnh. Ông Vu bắt đầu dạy Mỹ Tâm cách gấp hoa tulip bằng giấy, cùng cô bé gấp hoa giống như nhân vật trong câu chuyện cổ. Chính tình yêu thương này đã khiến cho bệnh tình Mỹ Tâm cũng có chút khởi sắc.
Cũng trong quãng thời gian đó, ông Vu nhận được cuộc gọi từ bà thầy cúng tên Hà sống ở tầng trên, bà Hà nói bà đã nghe về chuyện của Mỹ Tâm, và nghĩ bà có thể chữa được cho cô. Chìm trong bóng tối đã lâu, nghe được tin con gái mình sẽ hết bệnh khiến ông Vu như vớ được tia sáng trong cuộc đời mình, liền răm rắp nghe theo những gì bà Hà bảo. Bà thầy cúng khuyên ông Vu cần phải cúng bái Từ Cô Quan Âm để chữa cho Mỹ Tâm, lần đầu chỉ là một cỗ cúng nhỏ thôi, nhưng bệnh tình thuyên giảm, sắc mặt Mỹ Tâm cũng tốt hơn, nên ông Vu đã tin hoàn toàn vào việc cúng bái này và đã dốc hết toàn bộ tiền bạc cho bà thầy cúng kia để thỉnh thần độ trì cho gia đình mình.
Thời gian cũng trôi qua, nhờ thoát khỏi thuốc, có cha bên cạnh chăm sóc Mỹ Tâm cũng dần dần phục hồi, cô bé nhỏ bắt đầu ca hát trở lại, vẫn nuôi trong mình ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng như mẹ mình khi xưa. Mỹ Tâm được gia đình cho tham gia một thi hát, thế nhưng mọi thứ lại trở nên mù mịt một lần nữa khi ở vòng cuối cùng, Mỹ Tâm bị loại khi thua đối thủ của mình chỉ 1 điểm duy nhất.
Cảm thấy bản thân làm cha mẹ thất vọng, ám ảnh về những kỳ vọng của gia đình, đồng thời phải chịu những cuộc cãi vã của cha mẹ khiến cho bệnh cũ của Mỹ Tâm lại tái phát. Ông Vu lại dốc hết tiền bạc để cúng bái ở chỗ bà Hà, khiến cho vợ ông - bà Lệ Phương càng lúc càng không chịu nổi. Đến một ngày, bà Phương quyết định bỏ đi, để không phải chịu cảnh gia trưởng của ông Vu, lựa chọn quay trở lại nghề minh tinh để nuôi sống bản thân, với mong ước sau này có đủ tiền bạc, trở về lo lắng đàng hoàng cho Mỹ Tâm.
Một lần nữa, biến cố rời xa mẹ, ám ảnh thành tích khiến cô gái nhỏ chỉ 10 tuổi đã phải chịu thêm tổn thương sâu sắc. Mỹ Tâm càng lúc càng bệnh nặng hơn, nhốt mình trong phòng nhiều hơn, không khí u ám bắt đầu bao trùm cả căn hộ nhỏ này.
Ông Vu liên tục cúng bái, nghe lời bà Hà đi tìm các kỷ vật của gia đình ngâm cùng với rượu rắn cạp nong để cho ra một bình rượu phép trong truyền thuyết của Từ Cô Quan Âm. Sau đó bà Hà hướng dẫn ông Vu đi vào cõi tâm linh để hiến tế các bộ phận của mình nhằm lấy lại sự sống bên trong Mỹ Tâm, hiến mắt, hiến lưỡi và hiến máu là 3 điều ông Vu đã làm để chứng minh sự thành tâm của mình.
Bà Hà tiếp tục chỉ dẫn ông Vu dùng rượu phép đã ngâm được đổ đầy bồn tắm và dìm Mỹ Tâm vào để rượu phép thanh tẩy cô bé trong 7 ngày. Tuy nhiên, khi ông Vu không thấy Mỹ Tâm cử động, đã gọi điện cho bà Hà và được bà trấn an bảo rằng hãy để Mỹ Tâm chiến đấu, thứ rượu phép này sẽ làm con gái ông mạnh mẽ hơn. Lần gọi thứ hai, bà Hà khuyên ông Vu hãy tin vào con gái mình, hãy tin vào sức mạnh của con bé, khoá cửa phòng tắm lại và đừng làm phiền Mỹ Tâm vì cô bé phải chiến đấu với âm khí. Lần gọi thứ 3, bà Hà không bắt máy, ông Vu lên tận phòng tìm kiếm cũng không thấy ai trong nhà, lúc này bà Hà đã dọn đi không còn một dấu tích. Ông Vu lật đật quay trở lại nhà tắm tìm Mỹ Tâm, khi mở cửa phòng tắm, một loại ánh sáng trắng hiện lên, hoa tulip hiện ra theo từng bước ta đi, đây có lẽ cũng là lúc ông Vu nhận ra mình đã giết chết cô con gái nhỏ duy nhất của mình - Mỹ Tâm...
PHÂN TÍCH GAME
Devotion có tiếng việt là "Sự thành tâm", cái tên rất đúng với những gì tựa game này truyền đạt với người chơi. Chúng ta thấy một người vợ thành tâm, hết mực thương chồng thương con, nhưng không thể làm gì vì sẽ vượt quá bổn phận của một người vợ. Chúng ta thấy một người chồng người cha hi sinh tất cả với tấm lòng thành tâm để cứu lấy đứa con gái duy nhất của mình mà quên luôn cả đúng sai, từ lúc nào thành tâm đã trở thành sự mù quáng.
Chắc chắn rằng sau khi nghe qua cốt truyện của Devotion, hoặc sau khi kết thúc game, mỗi người trong chúng ta sẽ có cảm giác nặng nề vô cùng. Sau khi trải nghiệm xong mình cũng mang trong lòng rất nhiều suy nghĩ về gia đình họ Đỗ kia. Một tựa game thành công cần kết hợp hoàn hảo giữa 3 yếu tố: nội dung, gameplay và đồ hoạ. Devotion vốn mang một nét đồ hoạ rất riêng của nhà phát triển Red Candle, không cần phải là đồ hoạ 3D đẹp cầu kỳ, gameplay đơn giản, nội dung có chiều sâu, ý nghĩa nhân văn dạy dỗ chúng ta về tình yêu thương trong gia đình. Nói đơn giản hơn thì Devotion không có 1 điểm nào để chê cả, nó rất khác, rất riêng và rất ấn tượng. Một làn gió mới trong dòng game kinh dị, không nhiều máu me, không nhiều cảnh hù dọa, mà ấy là những ám ảnh về tâm lý nhân vật và cả người chơi!
Hình ảnh, cảm xúc nhân vật thông qua con rối, búp bê và con cá
Vợ chồng ông Vu:
Hình ảnh những con rối người, rất quen thuộc với văn hoá Á Châu chúng ta, cũng là hình ảnh đại diện cho ông Vu và bà Phương. Cá nhân mình cảm nhận rằng nhà phát triển chọn rối người làm hình ảnh đại diện là có lý do, vì dường như con người chúng ta phải sống theo những định kiến của xã hội, nên chính bà Phương, ông Vu cũng là một trong những con rối được xã hội điều khiển thông qua các định kiến xã hội đó. Bà Phương bị ông Vu điều khiển, vì là một người vợ nên không được làm gì vượt quá bổn phận. Ông Vu cũng bị cái tôi của chính mình điều khiển, để từ đó mà vung tiền quá tay chỉ để giữ thể diện của mình với bạn bè, vì sỉ diện mà khiến mình rơi vào tình cảnh cửa mất nhà tan, người thân ly gián. Ông Vu còn đáng thương hơn khi chỉ vì tình yêu gia đình mà bị bà đồng tên Hà điều khiển để dâng hết tiền bạc và giết chết cả con gái yêu dấu của mình.
Con gái Mỹ Tâm:
Mỹ Tâm cùng hình tượng con búp bê bằng sứ, là đại diện cho sự mong manh dễ vỡ của một cô bé, vì đúng thật sự, Mỹ Tâm rất dễ sụp đổ khi tuổi còn quá nhỏ mà phải trải qua nhiều cú sốc tinh thần quá lớn.
Trong Devotion, ở những phân đoạn đầu tiên, lúc Mỹ Tâm còn bé, chúng ta liên tục thấy cảnh các con rối người dõi theo từng bước chúng ta đi, thật ra chúng không nhìn bạn đâu, mà đây cũng là hình ảnh ẩn dụ nhà phát triển gài gắm vào con game này về việc gia đình cũng như bà con họ hàng luôn kỳ vọng rất cao, rất nhiều vào một đứa trẻ, là Mỹ Tâm.
Một phân đoạn nhỏ khác như là tiệc thôi nôi của Mỹ Tâm, người chơi đã nhặt được một tờ note, trong đấy là nội dung về cuộc trò chuyện của bà con họ hàng. Người thì bảo sau này cô bé sẽ là bác sĩ, người thì bảo là luật sư, người lại mong cô trở thành kiến trúc sư,... nói chung là những kỳ vọng to lớn mà những đứa con Á Châu như chúng ta luôn nghe văng vẳng bên tai. Và đáng thương thay, chính Mỹ Tâm là đứa trẻ đại diện cho việc phải chịu đựng những kỳ vọng lớn lao đó
Cả gia đình ông Vu:
Không phải tự nhiên Red Candle lại chọn con cá Ngân Long để đặt trong bể cá gia đình ông Vu. Cá Ngân Long còn được người Châu Á xem là loài cá phong thuỷ, mang lại tài lộc cho người nuôi nó. Vậy nên nếu để ý kĩ, dễ dàng nhận ra rằng từ lúc con cá này chết vì thuốc của Mỹ Tâm, cũng là lúc gia đình ông Vy rơi vào một chuỗi bi kịch đầy ngổn ngang.
GAMEPLAY:
Gameplay của Devotion rất đơn giản, chúng ta chỉ có đi loanh quanh khắp căn hộ từ năm nay sang năm khác để thu thập các mảnh ký ức, các vật phẩm, từ đó giải mã cho sự việc kinh hoàng mà cho đến tận cuối game, người chơi mới biết mình đang đóng vai người cha đầy tội lỗi.
Có những màn minigame người chơi được vào vai Mỹ Tâm, cô con gái nhỏ, để biết được những sự việc xảy ra quanh cô bé kinh khủng đến mức nào đối với một đứa trẻ. Người chơi đã chứng kiến những lần ông Vu và bà Phương cãi nhau, nhưng chính người chơi lại đang ở thế bị động, chỉ có thể trấn an bản thân bằng cách đập 2 viên bi vào nhau, đây cũng chính là cách Mỹ Tâm tự trấn an mình. Chúng ta cũng vào vai Mỹ Tâm lúc cô bé bỏ uống thuốc, tự đổ thuốc vào bể cá, để thấy được sự uất ức mà cô bé đã trải qua.
Một đoạn gameplay cũng khá nổi bật, đó chính là cảnh ông Vu bị hồn ma của bà Phương rượt đuổi khắp khu chung cư. Ông Vu lúc này không tìm được đường ra, càng chạy càng lạc lối trong mê cung, bà Phương thì liên tục đuổi theo sau. Có người phân tích rằng do ông Vu đã giết chết bà Phương nên cảm thấy tội lỗi với bản thân mình, Thế nhưng mà cá nhân mình sau khi chơi xong, mình cảm nhận được rằng phân cảnh ông Vu chạy trốn khỏi bà Phương cũng thể hiện cho những lần 2 vợ chồng cãi nhau, bà Phương luôn gây sức ép cho ông về tài chính, tiền nong, nhà cửa, làm ông Vu hết lần này đến lần khác không tìm thấy lối ra cho bản thân, đây cũng là một trong những lí do lớn nhất khiến cho việc chất lượng kịch bản phim của ông cũng ngày một đi xuống.
SAI LẦM TIẾP NỐI SAI LẦM
Xuyên suốt Devotion, chúng ta trải qua hành trình của ông Vu, xen kẽ đó là hành trình của Mỹ Tâm, nhưng chưa bao giờ trải qua hành trình của bà Lệ Phương, và dường như nếu không nhắc đến thì chắc đây là tuyến nhân vật dễ bị lãng quên mất. Thế nhưng bản thân mình sau khi chơi xong cũng nhận ra được rằng bà Phương cũng vừa đáng trách nhưng vừa đáng thương trong hoàn cảnh này.
Là một người đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, nổi tiếng về tài năng và vẻ đẹp, nhưng phải từ bỏ tất cả sau khi lấy chồng, rút lui về để an phận chăm lo cho gia đình. Trách nhiệm càng nặng nề hơn khi trở thành một người Mẹ, bà Phương đã phải từ bỏ đi những ước mơ, khát vọng tuổi trẻ, rồi bị giam cầm trong 4 bức tường mang tên gia đình, suy nghĩ tính toán tiền bạc để cho gia đình tốt hơn. Không phải người mẹ nào cũng yêu thương con cái và chịu chăm lo gia đình, chính vì muốn đem đến những thứ tốt nhất cho người thân, bà đã vô tình khiến đồng tiền chi phối tất cả và bắt đầu tấm bi kịch gia đình nhà họ Đỗ.
Cái sai đầu tiên của bà nằm ở chỗ bà bỏ đi để tiếp tục nghiệp diễn, kiếm sống cho mình và sau này là kiếm sống cho con gái mình, thế nhưng bà lại không mang đứa con gái duy nhất của mình theo. Bản thân bà biết ông Vu không tốt, nếu bà cứ ở với ông Vu thì bà cũng sẽ chết trong cái tư tưởng gia trưởng của ông mà thôi. Thế mà bà Phương lại nỡ lòng để đứa con gái của mình cho ông Vu chăm lo, nếu biết rằng bả không thể sống nổi nếu còn ở căn nhà này, vậy thì Mỹ Tâm, một đứa trẻ thiếu tình yêu thương của mẹ sẽ sống ra sao khi bà rời đi? Nếu bà Phương mang Mỹ Tâm theo thì chắc có lẽ bi kịch sẽ không xảy ra...
Cái sai thứ hai của bà Phương luôn miệng phàn nàn về tiền bạc, về tài chính gia đình, mặc dù những gì bà muốn chỉ là có thể trang trải cho gia đình bà mà thôi. Thế nhưng như đã nói ở trên, chính những lần phàn nàn như vậy, đã khiến cho ông Vu lâm vào bế tắc, đầu óc cũng không thông thái để có thể cho ra những nội dung kịch bản hay, từ đó mà kịch bản phim của ông càng lúc càng nghèo nàn, còn áp lực thì cứ thế tăng lên từng giờ từng phút.
Cái sai thứ ba và là sai lầm lớn nhất, không nói ra thì có lẽ ai cũng biết, nằm ở chính ông Vu, ở chính cái tôi cao như núi của ông. Ông không cho bà Phương trở lại nghiệp diễn để kiếm tiền, vì ông sợ xã hội sẽ đánh giá ông là một thằng bất tài, không có khả năng tài chính để nuôi sống gia đình. Ông vung tiền mặc dù biết gia đình mình không còn gì, chỉ để giữ thể diện với bạn bè của mình, để che giấu sự đổ nát của gia đình ông đang diễn ra từng ngày. Ông không còn thông suốt, mê tín dị đoan đến mức loạn thần, dìm chết đứa con gái ruột của mình vào bồn tắm đầy rượu, chỉ để mong con sớm bình phục.
BÀI HỌC CUỐI CÙNG
Cho dù có như thế nào đi nữa, Devotion vẫn là một tựa game hay về ý nghĩa của tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái và dạy dỗ chúng ta cần phải để tâm nhiều hơn với các thành viên trong gia đình, cũng đừng theo con đường mê tín dị đoan, đức tin đúng đắn trong tôn giáo không phải đến mức loạn thần. ông Vu đã rất sai, nhưng nhìn những cảnh tượng ông phải chọc mắt mình, rút lưỡi mình hay thậm chí đâm xuyên kéo qua lòng bàn tay để thể hiện sự thành tâm với Từ Cô Quan m, chịu tất cả đau đớn chỉ để có thể lấy lại được năng lượng sống trong con mình, tất cả cũng xuất phát từ tình thương yêu con gái của ông.
Bà Phương tuy dứt áo ra đi, cũng chỉ duy nhất với một nguyện vọng là sau này có thể quay trở lại, chăm lo cho con gái mình bằng những gì tốt nhất. Tất thảy mọi việc cha mẹ làm đều vì tình yêu con cái, vì sự cho con cái tốt nhất nhưng lại không nhận ra con cái mình đang cần gì đã dẫn đến bi kịch đầy đau đớn. Cách yêu thương con cái tốt nhất đó chính là lắng nghe, thấu hiểu, không phải lúc nào người lớn cũng đúng, thế hệ thay đổi, đôi lúc các bậc phụ huynh cũng cần lắng nghe con cái nhiều hơn. Hãy cho con bạn thứ nó cần chứ không phải cho nó thứ nó muốn.
Devotion dạy cho chúng ta một điều rằng đừng nên đặt quá nhiều kỳ vọng lên một đứa trẻ, vì đứa trẻ đó biết nhiều hơn chúng ta nghĩ. Đứa trẻ đó cũng biết áp lực, cũng biết sự lạnh nhạt mà gia đình thể hiện với nó, và đứa trẻ đó luôn là thứ dễ tổn thương nhất nếu chúng ta không chăm sóc nó đúng cách.
KẾT THÚC CỦA MỘT BI KỊCH
LÀ BẮT ĐẦU CỦA HẠNH PHÚC?
Kết thúc game là ánh sáng trắng, tượng trưng cho sự ngây thơ trong sáng của đứa trẻ cấp 1 - Mỹ Tâm, hoa tulip mọc lên theo từng bước ta đi, cũng là loài hoa mà cô bé yêu thích nhất. Những câu từ ngô nghê mà Mỹ Tâm viết trong cuốn nhật ký trở thành như mũi dao đâm nát tâm can người chơi chúng ta, những nốt nhạc không vui, những giai điệu không lời đầy sâu lắng.
Đến đoạn này thì nhạc game cũng đã vang lên, dù không biết rằng Mỹ Tâm đã mất hay đã được cứu kịp thời bởi ông Vu, nhưng mình vẫn mong đó sẽ là cái kết đẹp và có hậu. Mỹ Tâm đã được cứu sống, ánh sáng trắng mở ra con đường cho ông Vu, soi chiếu những sự sai trái và lạc lối của chính ông, sau tất cả ông Vu nhận ra được lỗi lầm, bà Phương quay về, cùng chăm sóc tốt hơn cho Mỹ Tâm. Một sự bắt đầu đầy tươi sáng cho gia đình Mỹ Tâm.