Nhắc đến game indie các bạn nghĩ ngay đến tựa game nào nhỉ? Có người sẽ là Stardew Valley, người khác thì là Detention, thế nhưng đối với bản thân mình đó chính là Inside, tựa game indie rất được ưa chuộng ngay từ khi nó ra mắt năm 2016. Cho đến lúc này, mặc dù đã sang năm 2021 rồi nhưng Inside vẫn luôn là lựa chọn game mình nhắc đến mỗi khi giới thiệu cho ai đó. Hãy cùng mình đi sâu vào Inside, đến thế giới của game để hiểu vì sao nó lại thu hút nhiều người đến như vậy.

Xem thêm nhiều video đặc sắc hơn tại HALO Youtube Channel

VỀ INSIDE

Inside được phát triển bởi Playdead, bạn có thể trải nghiệm tựa game này trên hầu hết các nền tảng hiện tại như PS4, Xbox One, Nintendo Switch, PC và cả trên mobile nữa.

PHÂN TÍCH INSIDE: Khi con người trở thành vật thí nghiệm đáng sợ

Đây là tựa game giải đố góc nhìn thứ 3 sở hữu hình ảnh khá ấn tượng vì ít có tựa game nào có lối thiết kế như vậy, có lẽ bởi chính kiểu thiết kế này mà Inside đã gây chú ý không ít cho giới game thủ chúng ta. Cách điều khiển trong game cũng đơn giản, chỉ sử dụng những phím bấm cơ bản để đi tới lui, nhặt đồ rồi nhảy. Không có đấm đánh, máu me cũng không có những con boss hầm hố, tất cả những gì xảy ra trong Inside chỉ là cuộc hành trình tìm đường thoát ra khỏi một nhà máy to lớn. Thông qua hành trình này thì người chơi chúng ta cũng khám phá ra được kha khá bí mật đen tối đang được vận hành tại đây.

Tóm tắt game

Mở đầu Inside, người chơi điều khiển một cậu bé vô danh, tỉnh dậy một mình giữa rừng và phải ra sức chạy thoát một đám người trông không có vẻ tốt đẹp gì cả. Thoát khỏi đám chó săn của bọn người ấy chúng ta sẽ đi vào khu nhà máy rộng lớn. Để thoát khỏi nơi đây chỉ có cách duy nhất đó chính là giải hết từng câu đố trong đây. Tất nhiên quá trình này phức tạp hơn những gì bạn nghĩ đối với một tựa game indie. Các kiến thức vật lý bị bẻ cong và chúng ta phải tuân theo quy luật của game, thứ mà khác xa thực tại rất nhiều.

Trên hành trình này chúng ta cũng sẽ bắt gặp những chiếc nón điều khiển con người và một cô bé sống dưới nước lúc nào cũng rượt theo cậu bé tội nghiệp kia. Kết thúc game là việc cậu bé của chúng ta hoà vào làm một với tảng thịt gồm nhiều bộ phận trên cơ thể con người kết dính lại với nhau. Tảng thịt hay Cục thịt này dường như là 1 trong những vật thí nghiệm của các nhà khoa học tại đây. Sau đó Cục thịt này bắt đầu lê la khắp nhà máy để tìm lối thoát ra cho đến khi nó nằm lăn lóc ở bờ hồ, rồi cứ thế mà Inside kết thúc thôi. Sau khi trải nghiệm đoạn kết này các chắc rằng nhiều bạn sẽ cảm thấy bối rối và khó hiểu về Inside.

PHÂN TÍCH INSIDE: Khi con người trở thành vật thí nghiệm đáng sợ

Thế nhưng Inside vẫn còn 1 cái kết nữa nhưng đòi hỏi chúng ta phải rất tinh mắt. Cụ thể là người chơi phải đi tìm các quả cầu năng lượng để phá huỷ chúng, nếu phá huỷ đủ 14 quả cầu thì bạn sẽ được trải nghiệm cái kết thứ 2 trong Inside. Cậu bé của chúng ta sẽ đi vào 1 căn phòng và rút phăng dây nguồn của cái nón điều khiển não, từ đó thì cậu cũng như bị tắt nguồn và rơi vào trạng thái “bất động”... Không có sự sống. Và Hết.

Giả thuyết về Inside

Vậy thì rốt cuộc Inside là gì? Đây chắc chắn là câu hỏi luôn được nhiều người đặt ra khi trải nghiệm tựa game này. Bọn mình sẽ đưa ra 2 giả thuyết về để bạn hiểu hơn về Inside.

Giả thuyết thứ 1:

Đơn giản nhất và dễ hiểu nhất đó chính là việc Cậu bé của chúng ta bị điều khiển bởi Cục thịt to bự kia. Đây có lẽ là giả thuyết để dễ nghĩ đến nhất bởi vì chúng ta cũng có 1 vài chi tiết để vin vào đó nhằm củng cố cho giả thiết này.

Ở những phút đầu chơi Inside mình chỉ nghĩ đơn giản thôi là nhân vật chúng ta điều khiển đang cố vạch trần nhà máy nghiên cứu đen tối nay. Cho đến dần cuối thì Cậu bé kia lại đi đến chỗ thí nghiệm Cục thịt rồi từ đó hoà vào làm một với nó. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Cậu bé lại biết đường chạy đến nơi này? Rồi thì cứ cho cậu vô tình đi nhưng nếu là một người bình thường gặp 1 vật như vật bạn sẽ sợ hãi cố tìm lối thoát ra chứ ai lại đi giải thoát cho Cục thịt to tướng kia. Để rồi sau khi rút hết các dây theo dõi thì Cục Thịt này nuốt chửng Cậu bé, tìm cách thoát ra khỏi nhà máy thí nghiệm đó.

Hoặc là ở cái kết thứ 2 của Inside, Cậu bé rút dây nguồn kết nối với cái nón điều khiển, từ đó thì cậu cũng như vô tri vô giác. Giả thuyết là chính Cục thịt là người điều khiển Cậu bé thông qua cái mũ kia, như cách mà cậu đã điều khiển những hình nhân con người trên suốt hành trình vậy. Vì Cục Thịt đó biết rằng nó đang bị lợi dụng cho một thí nghiệm không mấy tốt đẹp, và cách tốt nhất để kết thúc việc này chính là điều khiển một cơ thể con người ngắt nguồn cho nó.

Ở giả thuyết này chúng ta có thể hiểu như việc Inside phản ánh về xã hội loài người trong thời buổi hiện tại. Các nhà khoa học trong khu nhà máy đó đều là người 100%, thế nhưng họ lại lạnh lùng, ác độc đến mức có thể thí nghiệm trực tiếp trên chính tứ chi của những người khác, để rồi cho ra một Cục Thịt sống không được mà chết không xong.


PHÂN TÍCH INSIDE: Khi con người trở thành vật thí nghiệm đáng sợ

Chỉ có duy nhất Cục thịt này là thứ cảm nhận được nỗi đau mà nó phải chịu đựng, cảm nhận được việc làm của bọn nhà khoa học là xấu xa nên chính nó đã tìm cách thoát ra khỏi đó, hoặc đơn giản là tự giết chết mình để giải thoát cho bản thân.

Giả thuyết thứ 2:

Đây là giả thuyết rộng hơn giả thuyết thứ nhất 1 tí, đó chính là việc Cậu bé của chúng ta bị điều khiển bởi đám người mà chúng ta đã thấy ở cuối game: Các vị khoa học gia đầy hiểu biết và thông minh. Trong giả định này có thể cả hành trình chạy trốn đến nhà máy rồi lại tìm cách thoát khỏi đây đã luôn nằm trong sự tính toán của những khối óc to lớn kia và nó thuộc phạm vi thí nghiệm của công ty trên.

Để củng cố cho giả thuyết này thì cũng có vài yếu tố mình sẽ kể ra như sau. Sau khi hoà vào làm 1 với Cục thịt để chạy trốn thì đã có vài người trong đám nhà khoa học giúp đỡ cho Cục thịt này. Có thể là họ muốn thí nghiệm của họ được thông minh hơn, và giúp đỡ nó như một lời gợi ý vậy. Và việc Cục thịt thoát ra nằm lăn lóc ở bờ hồ cũng minh chứng cho sự thành công của thí nghiệm trên. Thế nhưng để ý kỹ 1 chút thì cái khu vực Cục thịt dừng chân nó không khác gì khối mô hình được đặt ở một căn phòng xuất hiện trong 1 phân cảnh chạy trốn của Cậu bé. Nếu nhìn rộng ra, có thể vị trí mà Cục thịt nghĩ rằng cuối cùng nó đã trốn thoát được cũng chỉ là một vị trí đã được sắp đặt và xây dựng nên sẵn. Ờ thì một công ty to lớn như vậy thì họ hoàn toàn có thể xây nên một nơi để giả lập thế giới bên ngoài mà đúng không. Và Cục thịt to tướng kia cuối cũng cũng chỉ là một thí nghiệm của các nhà khoa học, nếu kết hợp giả thuyết này cùng giả thuyết thứ nhất, chúng ta sẽ nhận thấy là thí nghiệm sinh học của những khối óc đại tài đã thành công. Cục thịt đó biết suy nghĩ, biết tìm cách để trốn thoát, hoặc đơn giản là tìm cách để tắt nguồn chính bản thân nó, để nó không bị kiểm soát nữa.

Nhìn chung lại mà nói, tất cả cuộc hành trình của Cậu bé, việc Cục thịt chạy trốn khỏi nhà máy cũng chỉ là thí nghiệm của loài người trên một con người khác, có thể mục đích của họ là tạo ra một thứ vũ khí sinh học gì đó, hay là phục vụ cho một mục đích đen tối hơn chẳng hạn.

INSIDE CÓ CÙNG THẾ GIỚI LIMBO KHÔNG?

Một câu hỏi được đặt ra rất nhiều từ fan cứng của Playdead đó chính là liệu Inside có cùng một vũ trụ, bối cảnh như Limbo - tựa game trước đó của nhà phát triển này hay không? Cá nhân mình sẽ khẳng định là có, và tất nhiên mình có 3 điểm minh chứng cho khẳng định này.

Thứ nhất là sự xuất hiện của các con giòi trong game. Nếu như bạn đã chơi hay xem Limbo thì biểu tượng con giòi xuyên suốt game sẽ gây ấn tượng với bạn. Ở Limbo, mỗi khi nhân vật của bạn bị bọn giòi này đáp xuống đầu thì dường như sẽ bị chúng điều khiển trong vô thức, và chúng ta cũng bắt gặp điểm này trong Inside. Ngay từ những cảnh đầu game, Cậu bé đã bắt gặp bọn giòi ký sinh trên bầy lợn, từ đó những con giòi này hút hết nguồn sống từ con lợn và điều khiến nó trở thành một con lợn hung tàn, sẵn sàng hất tung nhân vật của chúng ta.

PHÂN TÍCH INSIDE: Khi con người trở thành vật thí nghiệm đáng sợ

Thứ hai đó chính là sự xuất hiện của các vụ nổ lớn trong cuộc hành trình, các vụ nổ này mang tính sát thương vô cùng cao, nếu không né kịp thì cơ thể của ta cũng bị nổ tung ra từng mảnh. Đây cũng là một điểm rất giống với Limbo, khi mà trong đó cũng xuất hiện những vụ nổ lớn tương tự vậy để tạo ra mưa xuất hiện trong khu vực chơi.

Thứ ba và là cuối cùng đó chính là những câu đố về lực hấp dẫn trong game. Cả Limbo và Inside đều xuất hiện những câu đố như vậy, điều này chỉ mang đúng một ý nghĩa cả 2 tựa game xuất hiện trong cùng 1 thế giới, cùng 1 bối cảnh, chỉ có điều chúng ta khó để nhận biết đâu là câu chuyện có trước và đâu là câu chuyện có sau mà thôi.

Đó là tất cả giả thiết và câu trả lời của mình về Inside, về một tựa game indie giải đố được ưa chuộng đông đảo. Như lúc đầu mình có nói, bạn có thể trải nghiệm Inside trên nhiều nền tảng khác nhau và nếu bạn lỡ yêu tựa game này thì cũng hãy trải nghiệm Limbo nữa nhé.

Cảm ơn các bạn đã luôn xem và ủng hộ kênh Say Game nhé. Nếu cảm thấy bài phân tích này thú vị thì hãy đăng ký kênh SAY GAME của bọn mình để nhận được nhiều nội dung hay ho hơn nè.

SAY GAME